Theo đánh giá của giới chuyên gia, Hiệp định TPP sẽ mở ra cơ hội cho các ngân hàng thương mại Việt Nam đồng hành hỗ trợ vốn, dịch vụ cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong tương lai.
Các luồng vốn đầu tư quốc tế (FDI) vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tăng cường thanh khoản và gia tăng cơ hội kinh doanh.
Phía sau dòng tiền ngoại
Phát biểu tại hội thảo “Hiệp định TPP: Cơ hội và thách thức đối với lĩnh vực tài chính và phát triển kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức tại Tp.HCM ngày 12/4, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương), có nhấn mạnh đến ba lĩnh vực tài chính quan trọng trong TPP mà Việt Nam cần chuẩn bị là tài chính vĩ mô, tài chính ngân hàng và phát triển doanh nghiệp.
Riêng với lĩnh vực tài chính ngân hàng, theo Vụ trưởng Lương Hoàng Thái, để chuẩn bị tốt khi tham gia TPP, các ngân hàng trong nước cần nâng cao năng lực cạnh tranh. Các ngân hàng cũng cần xây dựng hệ thống nhân lực theo chuẩn quốc tế, nâng cao năng lực quản trị và năng lực tài chính.
Một điểm đáng lưu ý đối với lĩnh vực tài chính trong TPP khi nêu rõ quy định yêu cầu nước thành viên không phân biệt đối xử giữa tổ chức tài chính trong nước và tổ chức tài chính của các nước TPP khi cung cấp các dịch vụ tài chính mới, trong những hoàn cảnh tương tự, mà không cần phải xây dựng mới hoặc sửa đổi luật hoặc quy định để cấp phép đối với các dịch vụ tài chính mới cho các tổ chức dịch vụ nước ngoài.
Để các tổ chức tài chính của các nước TPP có thể tiếp cận và hoạt động hiệu quả trên thị trường của nhau, các nước thành viên ghi nhận tầm quan trọng của việc minh bạch hoá các chính sách quy định hoạt động của các tổ chức tài chính.
Các cơ quan quản lý của các nước TPP cũng phải cam kết khung thời gian nhất định để phúc đáp nhà đầu tư các vấn đề liên quan trong quá trình cấp phép.
Theo bà Vũ Minh Châu (Vụ Hợp tác Quốc tế – Ngân hàng Nhà nước), trong khuôn khổ TPP và các FTA khác, các tổ chức tài chính nước ngoài có thể tham gia vào thị trường Việt Nam dưới các hình thức như văn phòng đại diện, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
Tuy vậy, khi tham gia cổ phần vào các ngân hàng thương mại cổ phần đang hoạt động tại Việt Nam, tổng tỷ lệ cổ phần của nước ngoài không vượt quá 30%. Giới hạn sở hữu cổ phần của nhà đầu tư chiến lược là 20%. Với các ngân hàng thương mại trong nước khi tham gia vào TPP hiện nay, theo giới chuyên gia, vấn đề thách thức là vốn thấp, chất lượng tài sản chưa cao. Điều này dẫn đến khó khăn trong đầu tư, mở rộng quy mô phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh trong khi áp lực cạnh tranh từ phía ngân hàng nước ngoài ngày một tăng.
![]() |
Với các ngân hàng thương mại trong nước khi tham gia vào TPP hiện nay, vấn đề thách thức là vốn thấp, chất lượng tài sản chưa cao
Sức ép cạnh tranh
Một điểm yếu khác của các ngân hàng trong nước là sản phẩm dịch vụ còn chưa đa dạng. Trong khi đó, với cam kết cho phép các tổ chức tài chính được cung cấp dịch vụ tài chính mới (khi Ngân hàng Nhà nước cho phép) sẽ tạo thêm sức ép cạnh tranh từ các ngân hàng nước ngoài ngày càng lớn hơn.
Bà Vũ Minh Châu cho rằng những rủi ro ngoại sinh từ khu vực thị trường tài chính khu vực và quốc tế bắt buộc các ngân hàng nội địa cần sớm nâng cao kỹ năng quản trị, dự phòng và xử lý rủi ro.
Ở một góc nhìn khác, khi trao đổi với trao đổi với PV Thời báo Kinh Doanh bên lề hội thảo này, ông Alan Phạm, Kinh tế trưởng của Quỹ đầu tư VinaCapital, cho rằng lĩnh vực ngân hàng có cơ sở tốt để cạnh tranh trong TPP.
Tuy nhiên, theo ông Alan Phạm, vấn đề giải quyết nợ xấu là điểm yếu của các ngân hàng trong nước hiện nay, nhất là chưa có những giải pháp tích cực, đồng bộ và dứt khoát. Nếu dành cơ hội cho các ngân hàng ngoại quốc vào Việt Nam thông qua TPP, chẳng hạn như ngân hàng Mỹ hoặc Hàn Quốc, với cách làm chuyên nghiệp và nhiều kinh nghiệm, thì họ sẽ có cách để xử lý tốt vấn đề này.
Giới chuyên gia khuyến nghị cần hoàn thiện pháp luật và thể chế ngành ngân hàng nhằm phát triển bền vững hệ thống tài chính, tiền tệ. Hơn nữa, hệ thống tổ chức tín dụng trong nước cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh.
Vấn đề đặt ra đối với Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh TPP là cần bổ sung xây dựng các văn bản pháp luật điều chỉnh các vấn đề, nội dung cam kết mới phù hợp với các cam kết quốc tế.
Hơn nữa, cần có lộ trình trong việc áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong quản lý giám sát, trong hoạt động của các tổ chức tài chính trong TPP. Phía Ngân hàng Nhà nước cũng cần thực hiện các công cụ của nền kinh tế thị trường trong điều hành và thực thi các chính sách tiền tệ trong điều kiện tự do hoá.
Trước những điều khoản cam kết về tài chính trong TPP, nói như chuyên gia tài chính Huỳnh Thế Du (Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright), việc mở cửa dòng vốn một cách hoàn toàn tự do sẽ gây ra nhiều khó khăn trong quản lý. Ngân hàng Nhà nước có thể đã hình dung và thận trọng về những khó khăn này.
Thế Vinh