Trước đó, việc Bộ Tài chính chấp thuận cho phép tăng mức thu phí đường bộ qua một số trạm BOT kể từ ngày 1/1/2016 đã vấp phải phản ứng, luồng ý kiến trái chiều. Hơn một tuần trước thời điểm thực thi quyết định tăng phí, Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị lùi thời điểm điều chỉnh tăng thu phí thêm 6 tháng (đến ngày 1/6/2016) vì nhiều lý do. Từ phía người dân, chủ phương tiện giao thông còn bức xúc vì mức tăng phí đường bộ qua các trạm BOT là quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân.
Chờ sửa thông tư
Trong thông cáo phát đi, Bộ Tài chính thể hiện sự tiếp thu, lắng nghe ý kiến từ phía người dân về thay đổi chính sách thu phí qua trạm BOT. Tuy nhiên, Bộ này cho rằng việc thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.
Trên thực tế, nhiều năm qua, rất nhiều dự án giao thông đã và đang được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT bằng nguồn lực của doanh nghiệp tư nhân, được đưa vào khai thác và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Đối với từng dự án BOT giao thông trên các tuyến quốc lộ, các công việc đầu tư dự án được tính toán kỹ lưỡng, gồm: xây dựng đề xuất các dự án, lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định, phê duyệt và công bố dự án, ký kết hợp đồng, triển khai xây dựng. Một khâu quan trọng là xây dựng phương án tài chính của dự án BOT, trong đó Bộ GTVT tính toán, quyết định mức thu phí hoàn vốn và thời gian hoàn vốn của từng dự án.
“Sau khi nhà đầu tư làm xong dự án, căn cứ vào mức thu phí tại hợp đồng BOT, nhà đầu tư có văn bản đề nghị với Bộ GTVT xem xét việc thu phí hoàn vốn. Bộ GTVT sẽ có văn bản đề nghị Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định thu phí hoàn vốn của từng dự án, cụ thể mức thu phí, thời gian thu phí, lộ trình điều chỉnh tăng mức thu phí…”- Bộ Tài chính trần tình.
Hai bộ sẽ thống nhất nội dung thu phí để ban hành thông tư cho từng dự án cụ thể, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Mặt khác, mức thu từng dự án phù hợp với quy định tại Thông tư số 159/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu phí sử dụng đường bộ hoàn vốn các dự án đầu tư xây dựng đường bộ.
Theo nguyên tắc này, mỗi đề xuất thay đổi, điều chỉnh nội dung thu phí dự án đều cần phải ban hành thông tư mới thay thế. Và với chừng 23 dự án thì Bộ Tài chính cần khoảng thời gian nhất định để xây dựng văn bản mới điều chỉnh nội dung sửa đổi thông tư như đề xuất của Bộ GTVT. Trong khi, chỉ cách mốc điều chỉnh tăng phí chừng 1 tuần (ngày 25/12/2015), Bộ Tài chính mới có văn bản đề xuất hoãn thời điểm thu phí là bị “làm khó”.
![]() |
Bộ GTVT dường như chỉ “ưu ái” xin hoãn tăng mức thu phí đường cho 23 trạm BOT ?
Hoãn thu phí chưa phù hợp
Trong khi hai bộ vẫn bất đồng quan điểm, dư luận bức xúc thì từ ngày 1/1/2016, một số trạm thu phí BOT đã mạnh tay điều chỉnh tăng thu phí từ 10.000-80.000 đồng/lượt so với mức cũ. Mức phí đường bộ sau điều chỉnh hiện từ 30.000-200.000 đồng/lượt, khiến các chủ phương tiện lo lắng, bức xúc.
Trong đề xuất, Bộ GTVT chỉ xin hoãn thời hạn tăng mức thu phí hoàn vốn của 23 dự án BOT có lộ trình tăng phí kể từ ngày 1/1/2016 đến ngày 1/6/2016.
Bộ Tài chính khẳng định: “Đề nghị của Bộ GTVT chưa phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cam kết với nhà đầu tư trong hợp đồng BOT nhà nước đã ký. Bộ không thể ban hành thông tư lùi thời hạn ngay được từ ngày 1/1/2016 vì phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.
Một vấn đề nữa là cả nước hiện có 53 trạm thu phí, nhưng Bộ GTVT chỉ “xin” hoãn tăng phí cho 23 trạm, còn vẫn đề nghị Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định thu phí hoàn vốn cho 7 dự án sắp hoàn thành, với mức thu bằng 3,5 lần mức thu cơ bản.
Do đó, Bộ Tài chính đã có công văn số 19683/BTC-CST ngày 31/12/2015 đề nghị Bộ GTVT đánh giá tổng thể tình hình thu phí các dự án như: mức thu phí, thời gian thu phí hoàn vốn, tác động đến hoạt động kinh doanh vận tải, khả năng đóng góp của người dân… Bộ GTVT cần phân tích tác động trước mắt và lâu dài, đảm bảo tính phù hợp của chính sách; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân khi đưa ra đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách.
Hơn nữa, đề xuất thời điểm áp dụng cần tính đến thời gian cho việc ban hành văn bản điều chỉnh khả thi. Bộ Tài chính mong muốn Bộ GTVT đánh giá toàn diện chính sách để đảm bảo công bằng giữa các nhà đầu tư, tôn trọng cam kết với nhà đầu tư, ổn định tâm lý và môi trường đầu tư ở Việt Nam, tuân thủ quy định. Những trao đổi giữa hai bộ nhằm nghiên cứu, đưa ra điều chỉnh chính sách đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Hải Hà