Khi ký hợp đồng người tiêu dùng có trách nhiệm yêu cầu và lưu giữ hợp đồng để làm căn cứ đối chiếu, so sánh trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
Cho vay tiêu dùng là xu hướng tất yếu của các ngân hàng và đang ngày càng trở nên phổ biến. Với nhiều ưu việt, cho vay tiêu dùng cũng là sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng trong quá trình mua sắm, tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tồn tại nhiều hệ lụy.
Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, thời gian qua đã nhận được rất nhiều đơn khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến dịch vụ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. Theo đó, người tiêu dùng ký hợp đồng vay tiêu dùng với các công ty tài chính để mua các sản phẩm tiêu dùng như điện thoại, máy vi tính, đồ điện tử gia dụng…Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, thường là từ 3 – 6 tháng, người tiêu dùng không còn khả năng trả nợ do lãi suất quá cao, và gặp thái độ cư xử không đúng mực từ phía các công ty tài chính.
Trong trường hợp này, Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo người tiêu dùng nên thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng với các hợp đồng cho vay tiêu dùng. Trước khi ký hợp đồng, người tiêu dùng cần xem xét kỹ hợp đồng ký với các công ty tài chính, đặc biệt là các điều khoản về lãi suất, lãi phạt, tiến độ và thời hạn trả nợ. Trong quá trình ký kết hợp đồng, nếu cảm thấy các điều khoản trên có thể gây bất lợi cho mình trong tương lai, người tiêu dùng nên xem xét kỹ lưỡng trước khi ký kết.
Ngoài ra, khi ký hợp đồng người tiêu dùng có trách nhiệm yêu cầu và lưu giữ hợp đồng để làm căn cứ đối chiếu, so sánh trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Đồng thời, người tiêu dùng nên lưu giữ tất cả hóa đơn, tài liệu chứng minh nghĩa vụ thanh toán nợ. Khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng có quyền yêu cầu công ty giải quyết tranh chấp hoặc khiếu nại tại Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương.
Về vấn đề này, các chuyên gia cũng khuyến cáo, khi quyết định vay, người tiêu dùng cần tìm hiểu và xem xét kỹ và xác định thu nhập, khả năng chi trả của bản thân, hạn chế phát sinh nợ xấu. Người tiêu dùng tránh ký thay hợp đồng vay cho người khác. Không để kẻ gian lợi dụng tính thêm phí môi giới hồ sơ hoặc các phí không có trong hợp đồng vay cũng như không ủy quyền cho người khác nhận tiền hoặc sản phẩm vay thay cho mình.
Đồng thời, người tiêu dùng cần theo dõi bảng sao kê tín dụng cá nhân thường xuyên để nắm rõ tình trạng tín dụng và tận dụng các kênh thanh toán điện tử, tránh trễ hạn thanh toán.
H.T