Áp lực về tỷ giá đã giảm đáng kể, đặc biệt từ tháng 12/2022. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kiểm soát được tỷ giá và liên tục có 16 lần giảm tỷ giá trung tâm từ 23.693 đồng/USD hôm 4/11/2022 về dần 23.658 đồng/USD hôm 6/12/2022. NHNN sau đó tăng 1 phiên hôm 7/12, sau đó tiếp tục giảm 18 phiên sau đó xuống 23.603 đồng/USD hôm 5/1/2023. Tính từ cuối năm 2021 đến cuối năm 2022, VND chỉ giảm giá khoảng 3,7% so với USD.
Áp lực tỷ giá nguôi dần
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Độ: "Nếu xu hướng giảm giá của USD tiếp tục được duy trì, tỷ giá USD/VND trong năm 2023 sẽ được NHNN giữ ổn định để kiểm soát lạm phát và hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế".
Tuy nhiên, giữa tuần 2-6/1, đồng USD bất ngờ tăng vọt lên đỉnh cao 4 tháng. Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới tăng vọt trước và sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản họp cuộc họp tháng 12/2022, có lúc lên trên 105,6 điểm.
Chuyên gia kỳ vọng tỷ giá USD/VND dao động trong biên độ hẹp +/-3% trong năm 2023 |
Đồng USD tăng vọt hôm 3/1 trước khi Fed công bố biên bản nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì xu hướng tăng lãi suất để giảm lạm phát, đây cũng là tuần NHNN khá thận trọng. Hôm 6/1, lần đầu tiên sau 3 tuần, NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm thêm 1 đồng lên 23.605 đồng/USD (tương đương mức giá sàn và trần tương ứng là: 22.425 đồng và 24.785 đồng/USD).
Tiếp đó ngày 7/1 tỷ giá trung tâm nhích nhẹ lên mức ở mức 23.606 đồng/USD, tăng 1 đồng/USD.
Trong báo cáo chiến lược đầu tư năm 2023 mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, năm 2023, tiền đồng sẽ không mất giá mạnh như năm 2022 do Fed dự kiến sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào giữa năm 2023.
Bên cạnh đó, kỳ vọng cán cân thanh toán cải thiện nhờ thặng dư thương mại và chỉ số USD được kỳ vọng đã lập đỉnh vào quý 4/2022 và xu hướng chủ đạo là giảm trong năm 2023.
Nhưng theo VDSC, tiền đồng cũng không có nhiều khả năng tăng giá trong năm 2023 do môi trường lãi suất cao ở các nền kinh tế phát triển sẽ được duy trì trong suốt năm. Ngoài ra, triển vọng xuất khẩu kém nên Chính phủ sẽ có động lực chấp nhận tiền đồng mất giá thêm hoặc tăng cường tích trữ ngoại hối trở lại.
Do đó, việc nới lỏng mục tiêu lạm phát cho thấy ổn định tỷ giá sẽ không còn là ưu tiên chính sách như năm 2022. "Chúng tôi kỳ vọng tỷ giá USD/VND dao động trong biên độ hẹp +/-3% trong năm 2023", theo VDSC.
NHNN sẽ điều hành tỷ giá ra sao?
Dự báo về tỷ giá trung tâm VND/USD trong năm 2023, Công ty chứng khoán Maybank cho rằng có xu hướng giảm nhẹ trong các quý. Cụ thể, trong quý I/2023 tỷ giá ở mức 23,500 đồng /USD, quý II và quý III duy trì ở mức 23.400 đồng/USD, bước sang quý IV giảm còn 23.300 đồng/USD.
Tương tự, tổ chức Mizuho dự báo tỷ giá trung tâm có xu hướng giảm nhẹ. Theo đó, trong quý I là 23,600 đồng/USD, quý II là 23,500 đồng/USD, quý III là 23,400 đồng/USD và quý IV là 23,300 đồng/USD.
Trong khi đó, tổ chức UOB dự báo tỷ giá trung tâm trong năm 2023 có xu hướng tăng. Cụ thể, quý I NHNN sẽ niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.100 đồng/USD, quý II là 24.200 đồng/USD, quý III là 24.300 đồng/USD và quý IV là 24.400 đồng/USD.
Theo đánh giá của ông Trịnh Viết Hoàng Minh, chuyên viên phân tích mảng vĩ mô và phái sinh Công ty Chứng khoán ACB: Nhìn chung, tỷ giá sẽ tiếp tục chịu áp lực trong 6 tháng đầu năm sau. Nếu Ngân hàng Nhà nước có động thái khác, như tăng lãi suất, hoặc có thêm dòng ngoại tệ chảy vào mạnh như dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hay dòng tiền từ hoạt động xuất khẩu, khách du lịch quốc tế... trong 6 tháng cuối năm 2023, tỷ giá sẽ ổn định. Đến năm 2024, tín hiệu tích cực nhất là dòng vốn đảo chiều về lại Việt Nam, sẽ giúp tỷ giá giảm.
Còn ông Andrea Coppola - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (World Bank) - nhận định, bối cảnh kinh tế toàn cầu không chắc chắn và có nhiều rủi ro hiện nay, đặt các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam vào thế khó trong việc cân bằng giữa nhu cầu tiếp tục hỗ trợ chính sách để củng cố quá trình phục hồi kinh tế với nhu cầu kiềm chế lạm phát và rủi ro tài chính mới. Mức độ không chắc chắn cao sẽ đòi hỏi tổ hợp chính sách phải thích ứng với hoàn cảnh thay đổi.
“Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất, NHNN có thể cân nhắc cho phép tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn nữa, bao gồm giảm tỷ giá tham chiếu nhanh hơn. Với áp lực tỷ giá hối đoái dai dẳng, việc bán ngoại tệ trực tiếp có thể được sử dụng rất thận trọng để duy trì dự trữ ngoại hối” - ông Andrea Coppola nói.
Chuyên gia cũng dự báo, ở kịch bản lãi suất mục tiêu của Fed năm 2023 là 5%, lãi suất hiệu lực của Fed được ước lượng khoảng 4,7%; tỷ giá ngân hàng thương mại được dự báo có thể là 25.609 đến 25.857 VND.
Trong trường hợp trượt giá nhanh hơn dẫn đến lạm phát gia tăng đáng kể, NHNN có thể xem xét sử dụng lại lãi suất tham chiếu, nhưng dư địa áp dụng chính sách này không nhiều vì lãi suất đã neo ở mức cao. Do đó, việc phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa sẽ hạn chế tối đa việc lãi suất tăng.
Thanh Hoa