Ngày 28/10, Tổng cục Thuế thông tin về kết quả thực hiện Nghị định 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất trong năm 2021.
Cụ thể, lũy kế đến 20/10/2021, tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn: 78.559 tỷ đồng, trong đó: thuế GTGT và TNDN đã gia hạn cho các doanh nghiệp lần lượt đạt 44.851 tỷ đồng và 30.887 tỷ đồng; Thuế GTGT, TNCN của hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh được gia hạn: 359 tỷ đồng; Tiền thuê đất được gia hạn là 2.460 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện các chính sách gia hạn về thuế và tiền thuê đất thấp hơn so với dự kiến hơn 36.441 tỷ đồng. |
Như vậy, kết quả thực hiện các chính sách gia hạn về thuế và tiền thuê đất thấp hơn so với dự kiến hơn 36.441 tỷ đồng.
Theo ông Vũ Xuân Bách, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến kết quả sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề và đặc biệt là doanh nghiệp tại các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, dẫn đến số thuế phát sinh để được gia hạn thấp hơn dự kiến.
“Nhiều doanh nghiệp có số thuế phát sinh thấp hoặc không phát sinh thuế do phải tạm ngừng kinh doanh đã không làm thủ tục đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất”, ông Bách cho hay.
Trước đó, Bộ Tài chính đưa ra dự kiến, tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách giãn, hoãn thời hạn nộp thuế tại dự thảo Nghị định 52/2021/NĐ-CP là 115.000 tỷ đồng. Đây thực chất là khoản cho vay không tính lãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp, cá nhân để có nguồn tài chính phục vụ sản xuất, kinh doanh, gia tăng nguồn lực trong tương lai.
Theo đánh giá của ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: Nếu mục tiêu này đạt được, rõ ràng tác động rất tích cực lên hoạt động chung của doanh nghiệp. Qua đó tác động tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội, tư tưởng và niềm tin của cộng đồng. Rõ ràng nó tác động một lúc vào 3 lĩnh vực, như vậy đây là điều rất tích cực.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính đưa quan điểm, chính sách trên không phải là miễn hay giảm thuế, mà chỉ là gia hạn thời hạn nộp thuế. Vì vậy, với nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, số tiền được gia hạn không lớn và thời gian gia hạn không dài nên không “mặn mà” gửi giấy đề nghị. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không phát sinh doanh thu, phát sinh thuế, nên không có nhu cầu gia hạn thuế.
Chia sẻ thêm về nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện các chính sách gia hạn về thuế và tiền thuê đất thấp hơn so với dự kiến, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, thời gian hiện nay doanh nghiệp cần một luồng tiền mặt để trang trải những chi phí trong việc cầm cự, hoặc hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, nhưng doanh nghiệp lo là sau khi thời hạn giãn, hoãn đã hết, phải nộp nghĩa vụ về tài chính thì gánh nặng tài chính bị cộng dồn. Có nghĩa cuối năm họ nộp một lúc rất nhiều nghĩa vụ tài chính, thậm chí khó khăn lại chồng chất hơn về cuối năm.
Thực tế, dịch bệnh đã kéo dài đến hết tháng 9 mới được khống chế. Tuy nhiên, nguy cơ dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào là rất cao. Do đó, tình hình doanh nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Vì thế nhiều doanh nghiệp ngần ngại khi đưa ra quyết định có nên thụ hưởng chính sách này hay không.
Thanh Hoa