Cụ thể, về các nhóm hàng hoá, dịch vụ không được giảm thuế VAT, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế hướng dẫn người nộp thuế đối chiếu hàng hoá, dịch vụ mà người nộp thuế sản xuất, kinh doanh với nhóm hàng hoá, dịch vụ loại trừ không được giảm thuế tại Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định 15 để thực hiện đúng quy định.
Sau gần 2 tháng thực hiện quy định giảm 2% thuế giá trị gia tăng nhiều doanh nghiệp còn lúng túng áp dụng khiến người tiêu dùng vẫn chưa thực sự được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế này. |
Về thời điểm lập hoá đơn, Tổng cục Thuế hướng dẫn các Cục Thuế căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP; Hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính; Căn cứ hướng dẫn tại điểm a khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính; Quy định tại Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐCP.
Theo đó: Trường hợp cơ sở kinh doanh ký hợp đồng cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ, đã lập hoá đơn tại thời điểm thu tiền trước ngày 1/2/2022 với thuế suất 10% nhưng dịch vụ hoàn thành trong thời gian từ ngày 1/2/2022 đến hết 31/12/2022 thì đối với phần tiền đã lập hoá đơn trước ngày 1/2/2022 không được giảm thuế. Đối với phần tiền còn lại chưa thanh toán, được lập hoá đơn từ ½ đến 31/12/2022 được áp dụng chính sách giảm thuế.
Trường hợp cơ sở kinh doanh cung cấp hoá đơn, dịch vụ thuộc mức thuế suất 10% trong tháng 1/2022 nhưng đến tháng 2/2022 cơ sở kinh doanh mới lập hoá đơn đối với doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ này thì thuộc trường hợp lập hoá đơn không đúng thời điểm và không thuộc đối tượng được giảm thuế VAT.
Đối với các hoá đơn đã lập trước ngày 1/2/2022 với thuế suất thuế VAT 10%, sau ngày 1/2/2022 phát sinh các nội dung sai sót cần điều chỉnh về tiền hàng, thuế VAT hoặc trả lại hàng thì hoá đơn điều chỉnh, hoá đơn trả lại hàng được lập với thuế suất thuế VAT là 10%.
Đối với hoạt động cung cấp hàng hoá, dịch vụ đặc thù như cung cấp điện, cơ sở kinh doanh được giảm thuế theo quy định đối với các hoá đơn lập từ 1/2/2022 đến hết 31/12/2022.
Có thể thấy, kể từ khi áp dụng Nghị định 15 của Chính phủ về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8%, doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt nhiều doanh nghiệp vừa làm vừa lo vì chưa được hướng dẫn cụ thể, khả năng bị phạt rất cao, trong khi nhiều người tiêu dùng vẫn chưa được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế này.
Trước đó, phản ánh đến VnBusiness, chủ một nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại cho hay do đặc thù là mua hàng theo yêu cầu của nhà máy nên sản phẩm thuộc nhiều nhóm hàng, trong khi giảm thuế VAT áp dụng cho từng mặt hàng chứ không phải áp dụng cho toàn bộ sản phẩm. Tuy nhiên, chính sách còn nhiều vướng mắc, lúng túng, nhiều cách hiểu và chưa thể xác định một cách chắc chắn hàng hóa nào được giảm thuế nên rất khó cho doanh nghiệp .
"Trước đây chỉ cần xuất một hóa đơn cho một đơn hàng giờ phải tách ra theo thuế suất, nên doanh nghiệp tốn nhiều thời gian xử lý hơn cả việc kinh doanh, trong khi đó doanh nghiệp hiện chỉ có 8 nhân sự, nên không đủ nguồn lực xử lý. Chỉ cần một sai sót doanh nghiệp lại bị phạt bị truy thu", vị này cho hay
Trước những phản ánh của doanh nghiệp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Tài chính kịp thời hướng dẫn, giải thích vướng mắc về giảm thuế VAT cho doanh nghiệp và người dân.
Đối với ý kiến Bộ Tài chính sớm có Thông tư hướng dẫn chi tiết để Nghị quyết đi vào cuộc sống, Bộ tài chính cho hay: "Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành, do đó, Bộ Tài chính sẽ không ban hành Thông tư hướng dẫn. Đối với các vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 15/2022/NĐ-CP về việc trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn, giải quyết".
Thanh Hoa