Thông tin về tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 9/2022 và 9 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính cho biết, lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ngân sách trung ương ước đạt 93,4% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 94,8% dự toán.
Chi tiết từng khoản thu, cơ quan này cho biết về thu nội địa trong 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1.045,8 nghìn tỷ đồng, bằng 88,9% dự toán, tăng 18,8% so cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, thu từ dầu thô 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 60 nghìn tỷ đồng, bằng 213% dự toán, tăng 103,5% so cùng kỳ năm 2021, chủ yếu do giá dầu tăng mạnh.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước ước bằng 94% dự toán, tăng 22% so cùng kỳ năm 2021. |
Đối với thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt gần 216,5 nghìn tỷ đồng, bằng 108,8% dự toán, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2021, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 329,5 nghìn tỷ đồng, bằng 93,6% dự toán; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ gần 113 nghìn tỷ đồng, bằng 73,8% dự toán.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính cho biết, đến hết tháng 9 có 5 khoản thu vượt dự toán là thuế thu nhập cá nhân (đạt 108,8%), các khoản thu về nhà, đất (đạt 118,4%); thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (đạt 104,2%), thu quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác (đạt 113,3%) và thu khác ngân sách (đạt 116,2%).
Chiều ngược lại vẫn còn 2 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (đạt 62,1% dự toán, bằng 84,1% so cùng kỳ) và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước (đạt 59% dự toán).
Có thể nói, số thu ngân sách 9 tháng đạt khá về tiến độ thực hiện dự toán và tăng so cùng kỳ là do kinh tế - xã hội nước ta khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III/2022 tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước. Nhiều ngành đã khôi phục tăng mạnh và đạt mức tăng trưởng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xảy ra như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã và đang phát huy tác dụng, các doanh nghiệp đã có sự tăng tốc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cũng theo Bộ Tài chính, trong tháng 9, giá cả hàng hóa trên thị trường biến động tăng, giảm đan xen. Cụ thể, một số mặt hàng tăng giá như xi măng, thép xây dựng; một số mặt hàng giảm giá như giá phân bón, giá thịt lợn hơi.
Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình giá xăng dầu thế giới, diễn biến giá xăng dầu thế giới và giá xăng dầu trong nước để kịp thời phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu theo quy định.
Theo đó, giá xăng, dầu 2 kỳ điều hành gần đây đều giảm. Lũy kế từ đầu năm đến nay, qua 24 kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước, giá mặt hàng xăng có 13 lần tăng, 10 lần giảm và 1 lần giữ ổn định; giá dầu diezen 0,05S có 15 lần tăng, 9 lần giảm; giá dầu hỏa có 14 lần tăng, 9 lần giảm, 1 lần giữ ổn định; giá dầu mazut có 10 lần tăng, 9 lần giảm và 5 lần giữ ổn định.
Bộ Tài chính cũng cho biết thêm, trong 9 tháng đầu năm 2022, Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 53.784 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 645.325 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan; kiến nghị xử lý tài chính gần 10.807 tỷ đồng (trong đó: kiến nghị thu hồi nộp khoảng 10.213 tỷ đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác khoảng 35.304 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính khoảng 3.034 tỷ đồng); số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước là 7.756,5 tỷ đồng.
Thanh Hoa