Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, số doanh nghiệp nước ngoài kê khai và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử tăng thêm 17 đơn vị so với cuối tháng 6. Tính từ đầu năm tới 30/10, các nhà cung cấp nước ngoài, trong đó có Google, Facebook, Tiktok Netflix... đã nộp số thuế là 8.020 tỷ đồng. Con số này cao hơn nhiều so với mức nộp năm 2022 là 3.478 tỷ đồng
Theo đó, tính từ tháng 3/2022 - khi Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài được vận hành, các doanh nghiệp này đã nộp gần 11.500 tỷ đồng tiền thuế.
Theo thống kê, hiện tại 6 nhà cung cấp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam là Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix và Apple chiếm tới 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại nước ta. Các doanh nghiệp trên đều đã thực hiện phối hợp tích cực trong việc đăng ký, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam và đã nộp số thuế lên tới hàng chục triệu USD, EUR, tương đương hàng trăm tỷ đồng.
![]() |
Tính từ tháng 3/2022 Việt Nam đã thu gần 11,500 tỷ đồng tiền thuế từ các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài. |
Tính đến ngày 18/10/2023, đã có 375 sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc cung cấp thông tin qua Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, trong đó có nhiều sàn chiếm thị phần lớn như: Shopee, Lazada, Sendo,...
Cổng từ khi đi vào hoạt động đến nay đã cho thấy hiệu quả cao, phù hợp với việc vận hành hành chính trong kỷ nguyên “số hóa”. Giúp các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nộp thuế trực tiếp dễ dàng, thuận tiện, minh bạch hơn; không phải ủy quyền các tổ chức trong nước đứng ra kê khai, nộp thuế thay như trước. Bên cạnh đó, cũng giúp Tổng cục thuế, các cơ quan ban ngành thuận tiện theo dõi, giám sát hoạt động nộp, thống kê số liệu. Việt Nam hiện đã là 1 trong 4 nước đi đầu ở khu vực ASEAN về triển khai áp dụng thu thuế xuyên biên giới thông qua một Cổng Thông tin điện tử.
Trong những tháng tiếp theo, Tổng cục Thuế cho biết sẽ giữ vững tổ chức quản lý thuế hiệu quả đối với các nhà cung cấp nước ngoài; chủ động yêu cầu danh sách, nắm bắt thông tin về tình hình kê khai của các tổ chức được ủy quyền trong nước để rà soát, theo dõi từ đó áp dụng biện pháp quản lý phù hợp; bên cạnh đó, tiếp tục đôn đốc các đơn vị tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài chưa tiến hành đăng ký khai thuế, nộp thuế trên cổng thông tin điện tử.
Cơ quan cũng cho biết sắp tới sẽ tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp nước ngoài để hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, từ đó tạo điều kiện cho họ hiểu rõ và tuân thủ tốt chính sách pháp luật thuế Việt Nam; bao gồm cả trách nhiệm nghĩa vụ kê khai, nộp thuế của các tổ chức kinh tế mà các nhà cung cấp nước ngoài ủy quyền kê khai, nộp thay. Từ đó thể hiện sự quản lý quyết liệt, ngăn chặn triệt để từ ban đầu các vi phạm luật thuế và tình trạng “lách luật” thông qua các tổ chức ủy quyền, dịch vụ xuyên biên giới.
Bích Tâm