Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) do cơ quan Thuế quản lý trong tháng 4/2023 (tính đến ngày 05/05/2023) là trên 136.190 tỷ đồng, bằng 9,9% dự toán, bằng 82,3% cùng kỳ.
Lũy kế 4 tháng năm 2023 (tính đến ngày 05/05/2023) số thu đạt trên 578.030 tỷ đồng, bằng 42,1% dự toán pháp lệnh, bằng 100,7% cùng kỳ.
Nhiều khoản thu, sắc thuế giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm |
Đánh giá kết quả thu tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết tiến độ các khoản thu NSNN phát sinh khi khai nộp hàng tháng có dấu hiệu giảm qua từng tháng.
Cụ thể, tháng 1 thu khoảng 95,4 nghìn tỷ; tháng 2 thu khoảng 85,3 nghìn tỷ; tháng 3 thu khoảng 85 nghìn tỷ; tháng 4 thu khoảng 80 nghìn tỷ.
Theo ông Mai Xuân Thành, nhìn chung về tổng thể, tiến độ thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2023 vẫn đảm bảo tiến độ dự toán và có mức tăng trưởng so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, thu ngân sách tăng chủ yếu do tháng 1/2023 có nhiều nguồn tạm nộp theo quý, nguồn đột biến và tăng từ các khoản phát sinh thu một lần trong năm, những năm trước đây thu vào quý IV năm trước thì hiện đã thu trong quý I năm nay.
Nếu loại trừ các khoản thu trên thì thu nội địa luỹ kế 4 tháng đầu năm 2023 chỉ bằng 88,7% so cùng kỳ và phần lớn lĩnh vực, khoản thu, sắc thuế đều giảm.
Cụ thể: Thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản chỉ bằng 41,9% so cùng kỳ; Thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán chỉ bằng 50% so cùng kỳ; Lệ phí trước bạ nhà đất chỉ bằng 51,8% so cùng kỳ...
Bên cạnh đó, thu từ tiền sử dụng đất giảm sâu qua các tháng (bình quân quý IV/2022 đạt khoảng 15.600 tỷ đồng/tháng trong khi bình quân 4 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt khoảng 8.000 tỷ đồng/tháng);
Thu thuế giá trị gia tăng chỉ bằng 91,3% so với cùng kỳ cho thấy cầu tiêu dùng có dấu hiệu suy giảm; thu thuế tiêu thụ đặc biệt cũng chỉ bằng 91% cùng kỳ.
Số thu từ đất, nhà đạt thấp do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do thị trường bất động sản ảm đạm về giá, nhu cầu và sức mua... Nguyên nhân do chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết… Cùng với đó là nhiều doanh nghiệp đang “tắc” vốn khiến các dự án chậm triển khai. Trong khi đó, lãi suất vay mua nhà vẫn cao nên người dân không thể tiếp cận được tín dụng.
Dữ liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, thanh khoản trên thị trường bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt, đặc biệt so với giai đoạn sốt đất nửa đầu năm 2022.
Tỷ lệ hấp thụ trong quý I chỉ đạt khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bất động sản, đặc biệt là sản phẩm đất nền ở những khu vực từng xảy ra sốt đất tiếp tục được điều chỉnh giảm.
Trước đó, trong năm 2022 bất động sản tăng trưởng “nóng”, số thu thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế và nhận quà tặng là bất động sản tăng đến 96,4%, đóng góp lớn vào thu NSNN.
Dự báo thời gian tới, thu NSNN sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, do đó, lãnh đạo ngành Thuế cho biết sẽ tập trung rà soát, tổ chức triển khai các giải pháp công tác thuế: Quản lý thu, chống thất thu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ đọng thuế.
Tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả các gói chính sách, giải pháp về thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Xác định công tác phòng, chống gian lận về hóa đơn là vấn đề rất quan trọng, Tổng cục Thuế đã chính thức đưa vào vận hành, triển khai “Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử ”.
Theo đó, cơ quan thuế các cấp sẽ tập trung thực hiện rà soát, phân tích để kịp thời phát hiện các dấu hiệu rủi ro trong việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử, qua đó giúp truy vết, ngăn ngừa, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về hóa đơn chứng từ, gian lận hoàn thuế nói riêng và về thuế nói chung...
Thanh Hoa