Theo báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018, một trong những khoản thu không đạt dự toán là thu từ thuế thu nhập cá nhân. Tỷ trọng của thuế thu nhập cá nhân trong thập kỷ vừa qua đã tăng rất ấn tượng. Khi xét dự toán thu thuế thu nhập cá nhân, Chính phủ đã tính đến mức tăng trưởng GDP và thu nhập bình quân đầu người để đề xuất thu thuế thu nhập cá nhân phù hợp. Tuy nhiên, quyết toán thuế năm 2017, 2018 thì thuế thu nhập cá nhân chưa đạt dự toán đề ra. "Vậy do mức dự toán đề ra quá cao, không khả thi hay cơ quan hành thu chưa thực hiện tốt nhiệm vụ này?, đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) đặt câu hỏi.
Nền kinh tế vẫn chuộng tiền mặt (Nguồn: Internet) |
Theo đại biểu, những năm qua, cơ quan thuế đã xây dựng hệ thống thông tin để kiểm soát chặt chẽ các đối tượng nộp thuế hay tổ chức kê khai khấu trừ thuế thu nhập cá nhân tại nguồn trước khi chi trả cho người lao động, góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu thu đúng, thu đủ, thu kịp thời cho nhà nước. Nhưng việc quản lý thu thuế thu nhập cá nhân vẫn đối diện với nhiều thách thức.
Bên cạnh đó, nguồn thu nhập của các cá nhân quá đa dạng và phức tạp. Đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công thì có thể kiểm soát được qua đơn vị chi trả thu nhập nhưng với các khoản thu nhập của các hộ kinh doanh cá thể, các cá nhân hành nghề độc lập thì các cơ quan thuế khó xác định và kiểm soát chặt chẽ.
Chỉ ra nguyên nhân của thực trạng này, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng chủ yếu là do nền kinh tế của chúng ta vẫn ưa chuộng tiền mặt, nhiều nguồn thu nhập được chi trả bằng tiền mặt nên khó có thể tạo ra cơ chế kiểm soát thuế thu nhập cá nhân một cách chính xác và hiệu quả.
Đại biểu đề nghị, cần có quy định chặt chẽ và quyết liệt hơn về thực hiện hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn bộ nền kinh tế để hướng tới việc quản lý thu nhập của các cá nhân qua hệ thống ngân hàng.
“Đây là vấn đề hết sức cần thiết để kiểm soát các khoản thu nhập của cá nhân để bảo đảm đạt mục tiêu thu của ngân sách nhà nước, bảo đảm sự công bằng trong xã hội về nộp thuế”, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nói.
Bên cạnh đó, tham luận về điều hành chính sách tiền tệ, đại biểu Trần Quang Chiểu, Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách góp ý, chính sách tiền tệ vẫn cần tập trung giảm tiếp lãi suất vay khi còn dư địa. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần sớm có giải pháp huy động ngoại tệ và vàng trong dân. "Mỗi năm Việt Nam vẫn phải vay hàng tỷ USD để trả nợ trong khi nguồn vàng, ngoại tệ trong dân còn rất lớn", ông nói.
Thy Lê