Cụ thể, quý đầu năm nay, cơ quan quản lý sử dụng hơn 658,99 tỷ đồng từ quỹ bình ổn và trích quỹ 1.681 tỷ đồng. Lãi phát sinh trên số dư quỹ trong quý IV/2022 là khoảng 2,42 tỷ đồng, lãi vay phát sinh trên số dư quỹ là 2,17 tỷ đồng.
Trong 33 thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp có số dư quỹ cao nhất với 1.985 tỷ đồng, chiếm 35% tổng quỹ. Ngoài Petrolimex, một số thương nhân đầu mối có số dư quỹ cao là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (hơn 561 tỷ đồng)...
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng ghi nhận 7 đơn vị đang âm quỹ bình ổn. Trong đó, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) âm nhiều nhất với hơn 513 tỷ đồng. Các thương nhân đầu mối khác như Petro Bình Minh, Long Hưng, Trường An, Hải Linh, Tân Nhật Minh cũng âm hàng chục tỷ đồng.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn hơn 5.600 tỷ đồng. |
Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ ngoài ngân sách, được hình thành từ tiền trích trên mỗi lít xăng dầu người dân mua, nhưng doanh nghiệp lập, sử dụng lại theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước - Bộ Công Thương. Nhiều ý kiến cho rằng, đây chính là lý do trong nhiều trường hợp khiến giá tăng nhanh, giảm chậm so với thế giới.
Chẳng hạn, khi giá xăng dầu xuống thấp, đáng lẽ giá bán là 10 đồng, thì người dân phải mua 13 đồng do 3 đồng được trích vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ngược lại, khi giá xăng dầu tăng cao, thì sử dụng 3 đồng từ quỹ này để giảm giá bán lẻ, song thực tế vẫn là lấy tiền của dân.
Nói về Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật giá (sửa đổi) mới đây, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng nên giao Nhà nước, đặc biệt là Bộ Tài chính quản lí, không giao doanh nghiệp, để đảm bảo tính công bằng.
Chính phủ cũng cần nghiên cứu để có phương pháp quản lí tốt hơn. Về lâu dài, cần có lộ trình để dần đảm bảo giá xăng dầu được điều chỉnh hợp lí theo giá thị trường.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, quy định về quỹ là cần thiết nhưng cần có quy định rõ cơ chế quản lí, vận hành quỹ này một cách công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích 3 bên nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân.
Đại biểu dẫn chứng Quỹ bình ổn giá xăng dầu vừa qua có nhiều bất cập. Đây là quỹ ngoài ngân sách nhưng lại được trích lập và sử dụng bởi doanh nghiệp nhưng lại theo quyết định của cơ quan nhà nước là Bộ Công Thương.
Quỹ này thực chất là sử dụng tiền của dân nhưng quản lí lại bởi doanh nghiệp trích lập do đó khó bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng.
Đại biểu cho rằng, để quản lí Nhà nước can thiệp bằng công cụ chính sách và bằng dự trữ nhà nước là điều cần phải được xem xét nghiêm túc.
Thanh Hoa