Tính đến 31/3/2019, số nợ đọng là 82.972 tỷ đồng, chiếm 7,1% tổng số dự kiến thu nội địa năm 2019, tăng 8,7% (+6.644 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2018; giảm 0,8% (-686 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2018 (31/3/2018). Trong đó: Tiền thuế nợ có khả năng thu là 45.332 tỷ đồng, chiếm 54,6% tổng số tiền thuế nợ thuế và nợ không còn khả năng thu là 37.640 tỷ đồng, chiếm 45,4% tổng số tiền thuế nợ thuế.
Nợ đọng thuế có xu hướng gia tăng (Ảnh Internet) |
Ngoài nguyên nhân do ý thức chấp hành pháp luật thuế của một bộ phận người nộp thuế chưa cao, chưa nộp đúng, đủ, kịp thời số phát sinh phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật thì còn có nguyên nhân chủ quan do các đơn vị quản lý nợ chưa áp dụng triệt để các biện pháp đôn đốc cưỡng chế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế nên hiệu quả công tác thu nợ chưa cao.
Thực tế, nợ đọng thuế tăng ở hầu hết các địa phương, ngoài nguyên nhân khách quan, tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, mất khả năng thanh toán, ngừng hoạt động, bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh, tự giải thể, phá sản và một bộ phận người nộp thuế ý thức chấp hành pháp luật thuế chưa cao và số nợ thuế của nhiều năm trước tồn đọng kéo dài không thu hồi được, số tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày tăng lên, thì nguyên nhân chủ quan như việc các doanh nghiệp kê khai thuế tháng 12/2018, quý IV/2018 và quyết toán thuế năm 2018 phát sinh thuế phải nộp nhưng chưa nộp kịp thời, đúng hạn vào ngân sách nhà nước.
Vũ Trọng