Trong báo cáo về nghiên cứu “Những đặc điểm cần lưu ý của thị trường xăng dầu Việt Nam và sự ảnh hưởng đến phúc lợi hộ gia đình” của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) vừa công bố nêu rõ: xăng dầu là một trong những mặt hàng thiết yếu đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay, mỗi lít xăng dầu đang phải chịu các loại thuế như: Giá trị gia tăng (10%), nhập khẩu (khoảng 10%), tiêu thụ đặc biệt (8 - 10%) và bảo vệ môi trường…
"Đây sẽ là áp lực, tạo gánh nặng thuế xăng dầu đối với người tiêu dùng đang ngày càng gia tăng", nhóm nghiên cứu VESS đánh giá.
Điển hình, chỉ trong vòng hai tháng (12/4/2022 đến 13/6/2022), giá xăng dầu đã tăng liên tục 6 lần, vượt mức 32.000 đồng/lít (tăng gần 50% so với đầu năm 2022) và vượt đỉnh lịch sử tháng 7/2014 (26.140 đồng/lít). Giá xăng dầu tăng khiến hàng loạt mặt hàng thiết yếu và dịch vụ khác cũng tăng theo tạo áp lực lớn cho người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, nếu gộp 2 loại thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường vào một hoặc bỏ một trong 2 loại thuế này sẽ giảm áp lực cho người tiêu dùng. |
Do đó, các chuyên gia kiến nghị cần phải giảm bớt gánh nặng thuế. Tuy nhiên, thuế xăng dầu hiện đang đóng góp một phần quan trọng trong ngân sách nhà nước.
Theo TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VESS, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia phần lớn sử dụng các khoản thuế tương đối để áp lên mặt hàng xăng dầu. Đồng thời, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi áp trực tiếp đồng thời hai khoản thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường lên mặt hàng xăng dầu.
Bên cạnh đó, cách thức tính giá cơ sở hiện nay cũng có nhiều điểm yếu khiến giá xăng dầu cơ sở không phản ánh đúng giá xăng dầu thực tế và không theo kịp sự thay đổi giá xăng dầu của thị trường quốc tế.
"Mặc dù giá xăng dầu bán lẻ của Việt Nam ở mức tương đối thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng so với thu nhập bình quân đầu người thì mức giá này ở vị trí cao hơn so với một vài quốc gia phát triển hoặc có cùng điều kiện về kinh tế, như: Mỹ, Nga, Malaysia, Indonesia", đại diện nhóm nghiên cứu nhận xét.
Do đó, Việt Nam có thể đối mặt với lạm phát, thuế tăng, giá đầu vào tăng, khi giá xăng dầu ở mức cao do chi phí cho xăng dầu được coi là một trong các khoản chi phí đầu vào của sản xuất.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề xuất thay đổi cách áp hai khoản thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường (gộp 2 loại vào một hoặc bỏ một trong 2). Sử dụng thuế tuyệt đối khi áp lên mặt hàng xăng dầu, cụ thể là thuế tiêu thụ đặc biệt.
Chẳng hạn như áp thuế 2.000 VND/lít và điều chỉnh theo tình huống cụ thể. Nếu sử dụng thuế tương đối thì nên có mức trần tuyệt đối với mỗi loại thuế (ví dụ: 3.000 VND/lít).
Hiện nay, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023 là: Xăng, trừ etanol áp dụng mức thuế 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay có mức thuế 1.000 đồng/lít; dầu diesel có mức thuế 1.000 đồng/lít; dầu hỏa có mức thuế 600 đồng/lít; dầu mazut có mức thuế 1.000 đồng/lít; dầu nhờn có mức thuế 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn có mức thuế 1.000 đồng/kg.
Trong khi đó, mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong đó đề xuất tăng thuế đối với nhiều mặt hàng. Tuy nhiên, các chuyên gia lẫn người dân kỳ vọng sẽ bỏ sắc thuế này đối với xăng dầu.
Theo luật sư Trần Xoa, Công ty luật Minh Đăng Quang, Bộ Tài chính cần xem xét lại và nên thu hẹp bớt số sản phẩm phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhất là xăng. "Hàng vạn người lao động đang bươn chải vì cuộc sống hằng ngày cũng phải sử dụng xăng để di chuyển, góp sức vào lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế. Việc xăng bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, chính những người lao động này bị ảnh hưởng nặng nhất khi giá tăng cao. Xăng là sản phẩm có hạn nhưng cũng như đất đai, là hàng hóa thiết yếu, không thể vì hạn chế sử dụng mà đẩy giá lên cao. Hơn nữa, chúng ta không thể so sánh với nhiều nước trong khi thu nhập của đại đa số người dân còn thua xa các nước", Luật sư Trần Xoa nói.
Thanh Hoa