Số nộp ngân sách của Hòa Phát năm 2024 tăng 48% so với cùng kỳ năm trước (hơn 9.000 tỷ đồng). Trong đó, các công ty thành viên có đóng góp ngân sách nhiều nhất chủ yếu là các công ty thép, mảng điện lạnh, xây dựng, phát triển đô thị, gồm: Thép Hòa Phát Dung Quất, Thép Hòa Phát Hải Dương, Ống thép Hòa Phát, Điện lạnh Hòa Phát, Xây dựng và Phát triển Đô thị Hòa Phát, Thép Hòa Phát Hưng Yên.
Điển hình, Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất nộp ngân sách hơn 9.600 tỷ đồng, bao gồm: thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu, thuế xuất nhập khẩu, thuế nội địa…
Thép Hòa Phát Hải Dương là công ty có số nộp ngân sách nhiều thứ hai với trên 1.370 tỷ đồng.
![]() |
Số nộp ngân sách Nhà nước của Tập đoàn Hòa Phát từ 2007-2024. |
Hoạt động trong 5 lĩnh vực: gang thép - sản phẩm thép - nông nghiệp - bất động sản - điện máy gia dụng, sở hữu hệ sinh thái sản phẩm đa dạng, đến nay, Hòa Phát đang hoạt động và đóng góp ngân sách nhà nước tại 26 tỉnh, thành phố.
Tính từ năm 2007, thời điểm bắt đầu niêm yết trên thị trường chứng khoán đến 31/12/2024, tập đoàn này đã nộp gần 88.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, nằm trong số 3 doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất cả nước.
Đáng chú ý, so với số thu ngân sách của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hiện nay, nộp ngân sách của Hòa Phát hiện đang cao hơn mức thu của nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Chẳng hạn, các địa phương có số thu ngân sách năm 2024 dưới 10.000 tỷ đồng là Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Phú Yên, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long.
Các tỉnh có số thu ngân sách từ 10.000 - dưới 14.000 tỷ đồng gồm Lạng Sơn, Lào Cai, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Cần Thơ, Tiền Giang.
Tại các địa phương có Hòa Phát đặt nhà máy, trụ sở hoạt động đều có số thu ngân sách cao. Đơn cử như tại Hải Dương có số thu ngân sách là 30.774 tỷ đồng, Hưng Yên là 40.114 tỷ đồng, Quảng Ngãi là 29.500 tỷ đồng...
Hai địa phương hiện đang có số thu ngân sách cao nhất nước, vượt 500.000 tỷ đồng mỗi địa phương là Hà Nội và TP.HCM; Hải Phòng có số thu vượt 100.000 tỷ đồng; các địa phương Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Thanh Hóa có số thu vượt 50.000 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, năm 2024, Hòa Phát đạt doanh thu 140.560 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước và đạt kế hoạch năm 2024. Lợi nhuận sau thuế đạt 12.020 tỷ đồng, tăng 77% và vượt 20% so với mục tiêu đề ra.
Năm 2024, Hòa Phát đã sản xuất 8,7 triệu tấn thép, tăng 30% so với năm trước. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 8,1 triệu tấn, tăng 20%, trong đó thép xây dựng và thép chất lượng cao chiếm 4,48 triệu tấn, tăng 18%. Thép cuộn cán nóng HRC sản xuất hơn 3 triệu tấn, tăng 5%.
Trong nước, Hòa Phát giữ vững vị trí dẫn đầu về thị phần thép dài và ống thép, với tỷ lệ lần lượt là 37,6% và 27,7%, cũng như nằm trong top 5 thị phần tôn mạ với 8,2%. Các sản phẩm của Hòa Phát đã được sử dụng trong nhiều dự án hạ tầng lớn như sân bay, các tuyến metro tại Hà Nội và TP.HCM.
Thanh Hoa