Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi quy định không thu thuế giá trị gia tăng (VAT) với một số hàng giá trị nhỏ nhập trong định mức miễn thuế nhập khẩu và miễn VAT.
Luật hiện hành không quy định miễn thuế với hàng giá trị nhỏ, mà thực hiện theo Quyết định 78/2010 của Chính phủ, tức dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, được miễn thuế nhập khẩu, thuế VAT đầu vào (khâu nhập khẩu).
Tuy nhiên, thảo luận tại Nghị trường chiều 24/6, hầu hết các đại biểu không đồng tình với nội dung này, bởi hiện nay số lượng đơn hàng có giá trị nhỏ vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam rất lớn, gây thất thu ngân sách Nhà nước.
Theo số liệu của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính viễn thông, tại thời điểm tháng 3/2023 đã có trung bình từ 4-5 triệu đơn hàng một ngày được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam với giá trị mỗi đơn hàng chia nhỏ từ 100.000 - 300.000 đồng |
Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho biết về đối tượng chịu thuế, liệt kê như dự thảo gồm 26 mục là rất cụ thể và rất dễ thực hiện.
Tuy nhiên trong đó bổ sung quy định một số trường hợp hàng hóa nhập khẩu không phải chịu thuế, đề nghị cân nhắc vì hiện nay theo báo cáo của cửa khẩu hằng ngày có từ 4 - 5 triệu đơn hàng qua biên giới nước ta được miễn thuế do giá trị của mỗi hàng hóa có giá trị nhỏ, nếu tính thuế những gói hàng này không là bao nhiêu tiền, phải tốn nhân sự quản lý thu, chậm trễ thời gian.
Song theo đại biểu Hoà, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã bỏ quy định miễn thuế hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ và để tạo bình đẳng hàng hóa xuất khẩu trong nước với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài về có giá trị nhỏ.
"Tôi đề nghị Ban soạn thảo có cân nhắc để làm sao cho phù hợp thực tế và những đối tượng chịu thuế chấp nhận được", đại biểu đoàn Đồng Tháp cho biết.
Dẫn số liệu, đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) cho hay: Theo số liệu của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính viễn thông, tại thời điểm tháng 3/2023 đã có trung bình từ 4-5 triệu đơn hàng một ngày được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam với giá trị mỗi đơn hàng chia nhỏ từ 100.000 - 300.000 đồng, nhưng tính ra là một số lượng rất lớn, 45 - 63 triệu USD trung bình một ngày. Mỗi tháng có khoảng 1,3-1,9 tỷ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok… thì đó là con số không nhỏ.
Theo ông Ấn, quy định như trên là chưa phù hợp. Ông đề nghị chỉ miễn thuế với hàng hóa giá trị nhỏ trong trường hợp mang theo người khi nhập cảnh qua cửa khẩu.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Phó đoàn Tây Ninh) cũng đề nghị bỏ quy định này, bởi với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, xu hướng chung của các quốc gia cho thấy lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua. Do đó, với quy định như dự thảo thì ngân sách nhà nước sẽ thất thu một khoản thu khá lớn, hơn nữa, tạo điều kiện cho hàng giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam.
Đồng thời, bà Thuý cho rằng quy định này cũng sẽ không đảm bảo sự công bằng giữa hàng hóa trong nước với hàng hóa nhập khẩu. Bởi lẽ, hàng hóa trong nước khi sản xuất ra về nguyên tắc vẫn bị điều tiết bởi thuế VAT, trong khi hàng hóa nhập khẩu lại không chịu loại thuế này trong giá bán.
Quy định này cũng không phù hợp với xu hướng của thế giới. Hiện nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế VAT đối với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng xuất khẩu.
Trong phần giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, liên quan đến thuế VAT với hàng hoá nhập khẩu giá trị nhỏ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết nội dung này hiện nay được thực hiện theo Quyết định số 78/2010 trên cơ sở thực hiện thoả thuận quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều quốc gia đã bỏ quy định này.
Điển hình như EU đã bỏ quy định miễn thuế VAT với lô hàng từ 22 Euro trở xuống; Anh bỏ quy định miễn thuế VAT với hàng hoá nhập khẩu có giá trị 135 bảng Anh trở xuống; Thái Lan thực hiện thu thuế VAT 7% đối với tất cả hàng hoá nhập khẩu...
Còn ở dự thảo luật này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ xem xét, xây dựng mức thuế VAT với hàng hóa giá trị nhỏ phù hợp.
Thanh Hoa