Tổng cục Thuế cho biết, năm 2023, tổng số tiền nợ thuế lên tới gần 164.000 tỷ đồng, tăng gần 11% so với năm 2022.
Từ năm 2023 tới nay, cơ quan chức năng liên tiếp “bêu tên” doanh nghiệp nợ thuế. Tuy nhiên, danh sách doanh nghiệp nợ thuế ngày càng dài, số lượng nợ thuế cả nghìn tỷ đồng. Tại một số nhóm ngành nghề kinh doanh như xăng dầu, bất động sản, khoáng sản có nhiều doanh nghiệp nợ thuế lớn. Khoản nợ thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt có xu hướng gia tăng.
Trong lĩnh vực xăng dầu, nhiều “ông lớn” bị bêu tên do nợ thuế như: Công ty Xuyên Việt Oil với số thuế nợ hơn 1.529 tỷ đồng, chiếm gần 20% số thuế bị nợ tại TPHCM, trong đó riêng số thuế bảo vệ môi trường lên tới gần 1.250 tỷ đồng.
Ngành thuế đang triển khai nhiều biện pháp để thu hồi nợ thuế (Ảnh minh họa) |
Theo dữ liệu quản lý thuế tại Cục thuế tỉnh Hậu Giang, Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu nợ thuế tính đến ngày 7/1/2024 tổng cộng là gần 1.135 tỷ đồng, bao gồm: tiền chậm nộp (tính đến ngày 31/12/2022) hơn 286 tỷ đồng; thuế bảo vệ môi trường hơn 573 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng hơn 148 tỷ đồng; thuế tiêu thụ đặc biệt hơn 101 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 15 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân hơn 10 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) cũng chây ì khoản nợ thuế hơn 1.775 tỷ đồng.
Danh sách 100 doanh nghiệp nợ thuế mà Cục Thuế TP.HCM đã công bố mới đây cho thấy tổng số tiền thuế nợ lên đến 7.861 tỷ đồng. Chiếm phần lớn trong số nợ này là các doanh nghiệp liên quan lĩnh vực bất động sản.
Tốp đầu doanh nghiệp nợ thuế năm 2023 là Công ty CP Đầu tư Golden Hill nợ thuế lên tới 1.289 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC), với hai khoản nợ thuế gần 608 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư - Xây dựng - Thương mại - Sản xuất Nhựt Thành, nợ gần 208 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh nợ 205,6 tỷ đồng...
Theo đại diện một doanh nghiệp bất động sản trong số này, từ sau dịch COVID-19, tình hình kinh doanh rất khó khăn. Dù doanh nghiệp đã áp dụng nhiều ưu đãi, giảm giá nhưng vẫn không bán được hàng, khách hàng vẫn chờ mức giảm sâu hơn.
Dự kiến khó khăn còn kéo dài sang năm 2024 - 2025, doanh nghiệp này cho hay đang tìm mọi cách trả dần nợ thuế bởi nếu bị cưỡng chế tài khoản, cưỡng chế hóa đơn thì không thể tiếp tục kinh doanh.
Các doanh nghiệp bị cưỡng chế thuế chủ yếu là do nợ thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Thông tin doanh nghiệp bị cưỡng chế cũng khiến không ít khách hàng tại các dự án đang triển khai dang dở lo lắng.
Theo Tổng cục Thuế, nợ thuế tăng xuất phát từ khó khăn của nền kinh tế. Thị trường tài chính rủi ro, lãi suất ngân hàng cao, thị trường bất động sản giao dịch kém, doanh nghiệp thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động.
Thêm vào đó, khó khăn chung của thị trường vốn ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình hoạt động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản dẫn đến nợ các khoản thu từ đất tăng cao. Ngoài ra, các khoản tiền thuế được gia hạn theo Nghị định số 12/2023/NĐ-CP, Nghị định số 36/2023/NĐ-CP đã hết thời gian gia hạn nhưng người nộp thuế gặp khó khăn chưa kịp thời nộp vào ngân sách nhà
Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, để ngăn chặn tình trạng nợ đọng thuế, sẽ phân loại khoản nợ. Theo đó, với doanh nghiệp, người dân có khoản nợ thuế dưới 90 ngày, cơ quan thuế sẽ gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử, mời lên làm việc, ban hành thông báo tiền thuế nợ để đôn đốc nộp thuế. Với khoản nợ thuế trên 90 ngày, cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế, công khai thông tin thu hồi. Khi quyết định cưỡng chế hết hiệu lực sẽ chuyển sang như phong tỏa tài khoản, ngưng phát hành hóa đơn.
Chuyên gia kinh tế - tài chính PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, có tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc quay vòng vốn để sản xuất, kinh doanh nên khất nợ thuế để có vốn tiếp tục đầu tư. Vì vậy, ngành thuế nên xem xét kỹ nguyên nhân chủ quan và khách quan, nếu doanh nghiệp phục hồi, hoạt động tốt, có doanh thu thì vận động doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ thuế. Còn doanh nghiệp vẫn khó khăn, ngành thuế cần nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, một chuyên gia ngành thuế đánh giá đẩy mạnh thu nợ thuế là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách. Vì vậy, cơ quan thuế cần rà soát, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn thì có biện pháp hỗ trợ nhằm nuôi dưỡng nguồn thu. Ngược lại, với doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt nhưng lấy lý do ảnh hưởng của dịch bệnh mà chây ỳ, cố tình không nộp thuế, cần thực hiện các biện pháp mạnh.
Cụ thể, ngành thuế có thể phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan như: Cơ quan công an, Ngân hàng Nhà nước, toà án... để kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, thu hồi giấy phép kinh doanh và công khai thông tin người nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng... trong việc thu hồi nợ đọng thuế, tránh tình trạng nợ kéo dài, gây khó khăn trong việc thu nợ thuế.
Thanh Hoa