Nhiều năm nay, quản lý thuế lĩnh vực TMĐT vẫn được coi là một "điểm đen" trong công tác thu ngân sách, bởi doanh thu từ TMĐT rất lớn nhưng cũng rất phức tạp, tiềm ẩn thất thu ngân sách cao.
![]() |
Từ ngày 1/1/2022, các sàn TMĐT không bắt buộc phải nộp thuế thay người bán. |
Vì vậy, ngày 1/6/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 40 có hiệu lực từ 1/8/2021, hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Trong đó, tại Khoản 6, Điều 18 quy định sàn giao dịch TMĐT căn cứ doanh thu, các khoản thu khác mà cá nhân kinh doanh trên sàn nhận được, bao gồm khoản nhận qua đơn vị vận chuyển - COD, các hình thức trung gian thanh toán... để xác định doanh thu kê khai thuế và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh.
Tuy nhiên, ngay khi vừa ban hành, hầu hết các sàn TMĐT đã phản ứng, cho rằng quy định này đặt trên vai các sàn một gánh nặng quá mức, thậm chí vô lý. Bởi trên thực tế, mỗi cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng trên các sàn TMĐT đều có thể chủ động tự kê khai thuế và nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Chủ một sàn TMĐT băn khoăn: sàn không tham gia trực tiếp vào giao dịch mua bán..., mà chỉ đóng vai trò là nơi để người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ. Do vậy, sàn không thể kiểm soát được các doanh thu, tài khoản ngân hàng, căn cước công dân, mã số thuế, địa chỉ người bán do đây là hình thức mua bán trao đổi qua lại.
Cùng với đó, các doanh nghiệp thuê gian hàng trên sàn để bán hàng cũng phải tuân thủ quy định nộp thuế theo các quy định luật pháp liên quan, không thể chuyển việc của mình sang cho các chủ sàn gánh vác thay được.
Theo báo cáo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 - 2025 của TMĐT Việt Nam được dự báo là 29%, quy mô ước đạt 52 tỷ USD vào năm 2025. Với quy mô ngày càng lớn, nguồn thu thuế từ TMĐT là không nhỏ và Thông tư 100 sẽ góp phần chống thất thu thuế.
Trước những góp ý của các sàn TMĐT, chuyên gia và doanh nghiệp, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 100 theo hướng gỡ bỏ gánh nặng cho các sàn và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Tuy nhiên, Thông tư 100 vẫn có những quy định chặt chẽ, để tránh thất thu thuế từ giao dịch mua bán trên các sàn.
Theo đó, các sàn có 2 lựa chọn. Một là có thể khai thay, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh nếu có ủy quyền. Hai là không khai thay, nộp thay, song phải cung cấp thông tin của cá nhân kinh doanh trên sàn cho cơ quan thuế. Các thông tin cần cung cấp bao gồm: tên gian hàng/tên chủ gian hàng, mã số thuế, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, địa chỉ, email, số điện thoại, doanh thu bán hàng...
Trao đổi thêm với báo chí, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, trên thực tế phương án chia sẻ thông tin người bán hàng cho cơ quan thuế sẽ mất rất nhiều nhân lực, vật lực hơn so với phương án khai thay, nộp thay thuế.
“Nếu khai thay, nộp thay thuế cho người bán hàng thì chủ sàn TMĐT chỉ phải thực hiện định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý và chỉ phải thực hiện 1 lần thôi. Như vậy, các sàn sẽ không phải cung cấp thông tin.
Còn nếu cung cấp thông tin người bán hàng thì các sàn sẽ phải cung cấp thông tin đến từng giao dịch, mà số lượng giao dịch TMĐT trên các sàn hiện nay lên tới 3,5 triệu giao dịch mỗi ngày. Việc cung cấp thông tin như vậy dữ liệu rất lớn, sẽ tiêu tốn nhiều chi phí nhân lực, vật lực so với khai thay, nộp thay”, bà Lan nói.
Mới đây, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã ký thỏa thuận về việc chia sẻ dữ liệu về các sàn TMĐT và thông tin về các cá nhân kinh doanh trên sàn.
Thanh Hoa