Một số địa phương đã áp dụng chính sách miễn và giảm thuế cho những người bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Cục Thuế TP Hà Nội là một trong những đơn vị thực hiện chính sách này, nhằm hỗ trợ những người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai.
Cụ thể, nếu người nộp thuế không thể nộp hồ sơ khai thuế đúng hạn vì lý do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn hoặc tai nạn bất ngờ, cơ quan thuế sẽ gia hạn thời gian nộp hồ sơ. Trong những trường hợp bất khả kháng, tiền phạt nộp chậm sẽ được miễn.
Ngập lụt sau bão gây ảnh hưởng đến nhiều hộ gia đình, tổ chức. |
Ngoài ra, nếu người nộp thuế bị phạt do vi phạm hành chính về thuế nhưng gặp thiệt hại do thiên tai, họ có thể được miễn tiền phạt, nhưng số tiền miễn này sẽ không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế sau khi trừ bảo hiểm (nếu có).
Việc gia hạn nộp thuế có thể kéo dài tối đa 2 năm trong trường hợp thiệt hại vật chất nặng nề do thiên tai gây ra. Cục Thuế Hà Nội cũng cho biết, thuế VAT đầu vào của hàng hóa chịu thuế VAT bị tổn thất vẫn sẽ được khấu trừ toàn bộ, kể cả những trường hợp không được bồi thường.
Đối với các nhà sản xuất hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bị thiệt hại do thiên tai, mức thuế có thể giảm đến 30% dựa trên tổn thất thực tế, nhưng không vượt quá giá trị thiệt hại sau khi đã được bồi thường.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp, những chi phí liên quan đến thiệt hại do thiên tai mà không được bồi thường sẽ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Đối với thuế thu nhập cá nhân, những cá nhân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỏa hoạn, hoặc bệnh hiểm nghèo sẽ được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại, nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.
Đối với thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, nếu giá trị thiệt hại về đất và nhà trên đất vượt quá 50% giá trị tính thuế, người nộp thuế có thể được giảm thuế. Trong trường hợp thiệt hại từ 20% đến 50%, cũng sẽ có các biện pháp giảm thuế tương ứng.
Ngoài ra, đối với thuế tài nguyên, người nộp thuế gặp thiệt hại do thiên tai có thể được miễn hoặc giảm thuế cho số tài nguyên bị mất, hoặc được hoàn trả số thuế đã nộp nếu đã kê khai và nộp thuế trước đó.
Theo các chuyên gia, các biện pháp hỗ trợ quan trọng nhất hiện nay là cung cấp các khoản vay ưu đãi cho doanh nghiệp, giúp họ trả lương và đóng bảo hiểm cho người lao động trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng để duy trì hoạt động. Đồng thời, cần xem xét giảm hoặc hoãn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão. Ngoài ra, việc giảm hoặc miễn tiền thuê đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp bị thiệt hại cũng sẽ giúp họ có điều kiện phục hồi và tiếp tục phát triển.
Thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng, GDP có thể giảm 0,15% Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết bão số 3 gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân và nhà nước tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Theo ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2024 của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại. Tăng trưởng GDP quý III/2024 của cả nước có thể giảm 0,35%; quý IV/2024 giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3. Ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản đã đưa ra, ước tăng trưởng có thể đạt 6,8 - 7%; trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%; công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, sơ bộ tại 20 trên 26 tỉnh, thành phố, ước tính dư nợ bị ảnh hưởng là khoảng 80.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 5% dư nợ trên địa bàn). Trong đó, riêng tại Quảng Ninh và Hải Phòng có khoảng 11.700 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ khoảng 23.100 tỷ đồng. |
Thanh Hoa