Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí, áp dụng từ 1/7 đến hết ngày 31/12/2023. Theo đó, có những khoản phí lớn được giảm lên đến hàng chục triệu đồng cho doanh nghiệp và cũng có những khoản giảm lệ phí nhỏ nhưng lại có độ bao phủ lớn, hàng triệu người dân có thể tiếp cận được hỗ trợ.
Cụ thể, theo quy định hiện nay, lệ phí cấp căn cước công dân dao động trong khoảng từ 30.000 - 70.000 tuỳ theo công dân có nhu cầu cấp mới, cấp đổi, hay cấp lại. Dự thảo của Bộ Tài chính đề nghị giảm 50% lệ phí này, nếu được thông qua, công dân có thể tiết kiệm được một phần nào chi phí thủ tục hành chính hàng ngày.
Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% nhiều khoản thu phí, lệ phí để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp từ ngày 1/7 đến ngày 31/12/2023. |
Năm ngoái, khi thực hiện giảm 50% lệ phí cấp căn cước công dân, riêng tại Hà Nội, gần 6 triệu công dân đã được giảm lệ phí, với tổng số tiền là gần 7 tỷ đồng.
Còn đối với lĩnh vực vận tải, dự thảo đề xuất giảm 50% mức thu phí quy định hiện hành cho các dịch vụ như: phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; lệ phí cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài.
Ngoài ra, phí trong lĩnh vực chứng khoán, cấp giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, phí đăng ký (xác nhận) sử dụng mã số mã vạch nước ngoài, lệ phí sở hữu công nghiệp, phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy, phí trong chăn nuôi... đều được đề xuất để giảm trừ 50% so với quy định hiện hành.
Theo các chuyên gia, mặc dù kinh tế đạt được mức tăng trưởng ổn định, lạm phát được giữ vững nhưng triển vọng kinh tế của Việt Nam được đánh giá sẽ còn nhiều thách thức. Do vậy, bên cạnh giải pháp giảm thuế thì giảm phí và lệ phí sẽ giúp kích thích các ngành này có sự khôi phục mạnh mẽ.
Góp ý với Bộ Tài chính, nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan cần rà soát, lấy ý kiến từ thực tế doanh nghiệp, người dân để giảm các loại phí, lệ phí và thuế có sự tác động lớn, đối tượng thụ hưởng rộng, như vậy chính sách hỗ trợ mới mang lại hiệu quả lớn.
Chẳng hạn như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% cần sớm ban hành và mở rộng đối tượng thụ hưởng. Việc này có thể làm hụt thu ngân sách nhưng sẽ là “liều thuốc” để doanh nghiệp phục hồi, quay trở lại đóng góp cho nguồn thu ngân sách.
Trong 3 năm gần đây, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, căn cứ quy định của Luật Phí và lệ phí, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát và ban hành theo thẩm quyền các thông tư để quy định việc giảm mức thu nhiều khoản thu phí, lệ phí. Số tiền phí, lệ phí đã thực hiện miễn giảm trong năm 2020 và 2021 là khoảng 2.000 tỷ đồng/năm, còn trong 6 tháng đầu năm 2022 khoảng 900 tỷ đồng.
Dự kiến năm nay, khi thực hiện giảm phí, lệ phí, thu ngân sách sẽ giảm khoảng 700 tỷ đồng.
Thanh Hoa