Tổng cục Thuế cho biết ghi nhận trong thời gian qua, nhiều trường hợp là cá nhân kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số đã tự giác đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, cho thấy sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người nộp thuế.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội đã là một môi trường thuận lợi cho các hình thái kinh doanh TMĐT phát triển nhanh và rất khó kiểm soát bởi tính chất “ẩn danh” rất đặc trưng của loại hình kinh doanh qua mạng xã hội.
Các hình thái kinh doanh TMĐT phát triển nhanh khiến công tác thu thuế gặp nhiều khó khăn. |
Điển hình như một số người bán hàng trên mạng xã hội thường chốt đơn qua điện thoại hoặc sau khi livestream, quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội, đã hướng dẫn khách khi chuyển khoản thanh toán hàng không ghi nội dung liên quan đến hàng hóa mà ghi nội dung khác như “cho vay”, “trả nợ”, “quà tặng” …; còn người bán hàng trực tiếp thì yêu cầu khách hàng trả bằng tiền mặt thay vì chuyển khoản… Cùng với đó là nhiều phương cách khác để trốn tránh nghĩa vụ thuế của mình.
Để thu thuế với những đối tượng trên, Tổng cục Thuế cho biết cơ quan thuế phải nắm rõ đặc điểm từng loại hình TMĐT và doanh thu chủ yếu đến từ bán hàng hóa, dịch vụ; hưởng hoa hồng trên các dịch vụ; doanh thu từ việc quảng cáo, cung cấp các dịch vụ…, khi đó mới có căn cứ tính thuế.
Trước tình trạng người bán hàng trên nền tảng TMĐT dùng nhiều phương cách để trốn thuế, bên cạnh đẩy mạnh các giải pháp chống thất thu thuế, Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuế với hoạt động TMĐT, livestream bán hàng...
Liên quan đến các biện pháp chống thất thu thuế trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài chính cho biết, trong 9 tháng đầu năm (tính tới 14/9), cơ quan thuế đã thực hiện 40.956 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 61,46% kế hoạch năm 2024 và bằng 97,51% so với cùng kỳ năm 2023; kiểm tra 365.344 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 88,78% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 41.845 tỷ đồng, bằng 100,7% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 10.450 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 1.697 tỷ đồng; giảm lỗ là 29.698 tỷ đồng).
Về kết quả thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, cơ quan Thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 543 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 1.353 tỷ đồng; giảm lỗ 7.387 tỷ đồng; giảm khấu trừ 43 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 5.012 tỷ đồng.
Đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, Bộ Tài chính cho biết đang hoàn thiện hành lang pháp lý về chính sách thuế và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Trong đó hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh TMĐT theo hướng tăng cường trách nhiệm của tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo toàn ngành thuế chủ động rà soát xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế, triển khai Chỉ thị số 18 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT để tiếp tục làm giàu cơ sở dữ liệu lớn về TMĐT, thu thập thông tin từ nhiều nguồn: thông tin do sàn giao dịch TMĐT cung cấp; thông tin do các nhà cung cấp nước ngoài là chủ các nền tảng xuyên biên giới cung cấp; thông tin thu thập được qua công tác kiểm tra, thông tin thu thập trên internet; thông tin kết nối chia sẻ từ các bộ, ngành.
Hiện nay, Tổng cục Thuế phối hợp với các ngân hàng thương mại thu thập dữ liệu dòng tiền giao dịch qua các tài khoản của các tổ chức, cá nhân trong nước với các tổ chức cung cấp dịch vụ trực tuyến nước ngoài (như: Google, Facebook, Youtube, Netflix …); Thông tin cá nhân, nội dung và số tiền giao dịch của các tài khoản cá nhân có dấu hiệu hoạt động kinh doanh TMĐT…
Tại thảo luận tại tổ về dự án Luật Dữ liệu chiều ngày 24/10, các đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo luật quy định, cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia được Chính phủ xây dựng và quản lý tập trung, thống nhất tại Trung tâm dữ liệu quốc gia là cần thiết. Tuy nhiên, các bộ ngành, cơ quan đều có nguồn dữ liệu riêng nhưng nhiều đơn vị không muốn cập nhật vào cơ cở dữ liệu chung. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng việc luật hóa quy định về Trung tâm Dữ liệu quốc gia là hết sức cần thiết, đây không phải quy định về tổ chức bộ máy mà là quy định về địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ để đạt hiệu quả cao nhất trong việc xây dựng, quản trị và sử dụng dữ liệu của quốc gia. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đề xuất mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh bao gồm là dữ liệu cá nhân, đồng thời quy định rõ dữ liệu nào được khai thác, dữ liệu nào không được phép khai thác. Dẫn thực trạng các bộ ngành, cơ quan đều có nguồn dữ liệu riêng nhưng nhiều đơn vị “muốn giữ cho mình mà không muốn hoà vào cơ cở dữ liệu chung quốc gia”, đại biểu Hoàng Văn Cường góp ý dự thảo luật cần quy định rõ về thẩm quyền khai thác, tiếp cận và cung cấp dữ liệu. |
Thanh Hoa