Tại Diễn đàn "Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản" do Tạp chí Kinh Doanh tổ chức sáng 28/8/2024, ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia cấp cao về thuế và quản trị doanh nghiệp, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), người có gần 20 năm làm chính sách tài chính, cho rằng đối với nông nghiệp, phân bón là yếu tố quan trọng, đóng góp tới trên 40% cho việc nâng cao năng suất cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nông dân.
Doanh nghiệp phân bón thiệt thòi
Một câu chuyện "nóng" đối với nền kinh tế nông nghiệp trong nước về Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (diễn ra vào tháng 10/2024).
Tại dự thảo này, phân bón được đề xuất chuyển từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (thuế VAT), với thuế suất 5%.
Việc không áp dụng thuế VAT cho mặt hàng phân bón là một trong những rào cản lớn đối với nông dân, doanh nghiệp và HTX nông nghiệp. |
Theo quy định hiện nay, mặt hàng phân bón thuộc đối tượng “không chịu thuế VAT” theo Luật số 71. Vì vậy, các doanh nghiệp phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào là hàng hoá, dịch vụ, thiết bị máy móc, đầu tư cho sản xuất phân bón. Chính vì không được khấu trừ nên các hoạt động sản xuất phân bón phải tính vào chi phí và giá thành sản phẩm, tác động đẩy giá phân bón lên.
Các chuyên gia cho biết trong sản xuất nông nghiệp, vật tư chiếm khoảng 40-60% giá thành của các sản phẩm nông nghiệp và cũng là đầu vào thiết yếu không thể thiếu nên chắc chắn sẽ tác động trực tiếp tới giá thành sản phẩm mà người nông dân làm ra. Ngược lại, nếu được khấu trừ, sản phẩm được khấu trừ thuế VAT thì giá thành giảm xuống.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, mỗi năm ngành nông nghiệp tiêu thụ 11 - 12 triệu tấn phân bón, trong đó các sản phẩm sản xuất trong nước khoảng 8 triệu tấn, còn lại nhập khẩu, có những sản phẩm buộc phải nhập khẩu do Việt Nam chưa sản xuất được. Trong khi sản phẩm của các nước khác vẫn chịu thuế VAT giá nhập vào thấp hơn so với giá sản xuất trong nước.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, gần 10 năm không được áp thuế VAT đối với phân bón, ngành nông nghiệp thiệt đơn thiệt kép, giảm sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Áp dụng thuế VAT là cần thiết
Dưới góc nhìn của chuyên gia có 20 năm làm chính sách thuế, ông Phụng cho rằng: "Việc không áp thuế VAT đã tạo ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước không được khấu trừ thuế VAT đầu vào cho nguyên vật liệu, máy móc và dịch vụ, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng cao, đẩy giá phân bón cho nông dân lên cao. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp phân bón nội địa mất lợi thế cạnh tranh so với hàng nhập khẩu, vốn được khấu trừ thuế giá trị gia tăng ở nước xuất xứ".
Chuyên gia này khẳng định, những bất cập của chính sách thuế trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay khiến các tập đoàn kinh tế lớn không muốn huy động vốn, đầu tư vốn để tham gia liên kết chuỗi giá trị nông sản.
Ông Phụng phân tích: Việc không chịu thuế VAT có nghĩa là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón không được khấu trừ thuế VAT đầu vào, dẫn đến việc giá thành phân bón bị tăng lên. “Thực tiễn thi hành chính sách thuế VAT đối với phân bón đã gây ra tác dụng ngược, làm tăng chi phí sản xuất nông nghiệp”, ông nói.
Do đó, chuyên gia này cho rằng việc áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón là một bước đi cần thiết để tạo sự công bằng giữa sản phẩm trong nước và nhập khẩu.
Ông Phụng đề nghị cần phải giải thích rõ cho nông dân việc áp dụng thuế VAT 5% là người dân hưởng lợi chứ không phải giá phân bón sẽ tăng lên 5% vì giá đầu vào đã được khấu trừ không có lý gì giá bán gia tăng.
Bởi khi doanh nghiệp được khấu trừ thuế đầu vào, giá thành sản xuất phân bón sẽ giảm, điều này có nghĩa là giá bán lẻ phân bón cho nông dân sẽ không tăng thêm 5% như nhiều người lo ngại. Thay vào đó, nông dân sẽ được hưởng lợi từ sự giảm giá này vì doanh nghiệp có thể giảm giá bán sản phẩm đầu ra, làm cho phân bón trở nên rẻ hơn hoặc ít nhất là duy trì ở mức giá hiện tại.
Đồng thời, khi áp dụng thuế VAT 5%, nguồn thu từ thuế này có thể được sử dụng để hỗ trợ nông nghiệp thông qua các chương trình khuyến khích, đào tạo và cải tiến kỹ thuật. Những khoản đầu tư này sẽ giúp nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân. Nông dân sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với các công nghệ mới, cải thiện kỹ năng canh tác và tận dụng tốt hơn các nguồn lực hiện có.
Ví dụ, trước đây, một doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế VAT đầu vào, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao. Khi doanh nghiệp bán sản phẩm, giá bán phải bao gồm toàn bộ chi phí này. Tuy nhiên, khi thuế VAT 5% được áp dụng và cho phép khấu trừ đầu vào, chi phí sản xuất giảm, và giá bán ra có thể duy trì hoặc thậm chí giảm xuống. Điều này có nghĩa là nông dân không phải chịu gánh nặng chi phí tăng lên.
“Chiến lược cải cách thuế đến năm 2030 của Việt Nam hướng tới một thuế suất thống nhất, có thể là 10% hoặc cao hơn, thay vì 5%. Tại Việt Nam, mức thuế điều chỉnh sẽ phụ thuộc vào sức khỏe nền kinh tế và sức mua của thị trường, luôn đặt lợi ích của 100 triệu dân lên hàng đầu”, ông Phụng nói.
Thanh Hoa