Góp ý Dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến, VCCI cho rằng, hiện nay các giải pháp hỗ trợ về thuế gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) chỉ giới hạn trong năm 2021. Tuy nhiên, sớm nhất phải đến quý II/2022, các hoạt động kinh tế mới có thể trở lại trạng thái bình thường mới, khi đó DN sẽ dần khôi phục được tình hình sản xuất kinh doanh của mình.
Kéo dài chính sách hỗ trợ đến hết tháng 6/2022
Do đó, để đảm bảo tính hiệu quả, ổn định và có hiệu lực thực tế của chính sách hỗ trợ, VCCI đề nghị điều chỉnh thời hạn áp dụng các biện pháp hỗ trợ đến hết tháng 6/2022.
VCCI đề xuất giảm thuế TNDN cho các DN có doanh thu năm 2021 không quá 300 tỷ đồng. |
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng đưa ra mức giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các loại hình dịch vụ (như du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, chiếu phim…) là 30%. Nhưng VCCI cho rằng, mức hỗ trợ này cần mở rộng đến 50% để tạo ra hiệu ứng tác động lớn hơn và cú hích hồi phục mạnh hơn với các ngành đang chịu ảnh hưởng cực kỳ nặng nề bởi dịch bệnh.
Hơn nữa, theo quy định tại Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2017, một trong những tiêu chí xác định DNNVV là có tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng. Mặt khác, cũng theo Báo cáo Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với DN Việt Nam, các DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa có mức giảm doanh thu khá lớn và chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19.
Vì thế, chính sách giảm thuế cho DN có doanh thu 2021 không quá 200 tỷ đồng sẽ loại bỏ một số DNNVV theo quy định ra khỏi đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ này. Do đó, VCCI cho rằng cần xác định đối tượng được hưởng chính sách giảm thuế TNDN là các DN có tổng doanh thu của năm 2020 không quá 300 tỷ đồng.
Hỗ trợ chi phí phòng chống dịch cho DN
Hiện nay, để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa thúc đẩy phát triển kinh tế nhiều DN đang cố gắng cầm cự hoạt động và chịu rất nhiều chi phí liên quan đến phòng chống dịch bệnh như chi phí xét nghiệm định kỳ, chi phí tổ chức sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ; 2 địa điểm 1 cung đường”…
Theo phản ánh từ các DN các chi phí phòng chống dịch bệnh này quá lớn trong khi đó hiệu quả kinh doanh hiện nay thấp, vốn tự có đang bị ăn mòn. Việc DN cố gắng cầm cự, duy trì sản xuất, đặc biệt tại các địa phương đang bị phong toả, giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là nỗ lực để tạo công ăn việc làm cho người lao động và giữ được khách hàng.
Chính vì vậy, VCCI đề nghị bổ sung dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ DN các chi phí về phòng chống dịch bệnh trong quá trình duy trì sản xuất, ít nhất là tại các địa phương trong thời kỳ giãn cách theo Chỉ thị 16, bằng cách được khấu trừ trong các khoản nộp ngân sách kỳ tiếp sau.
“Đây là giải pháp hỗ trợ trực tiếp và thiết thực dành cho các DN gặp khó khăn về dịch bệnh nhất. Chính sách này cũng rất công bằng, những DN nào cố gắng cao nhất để thực hiện chủ trương của Chính phủ về duy trì mục tiêu kép thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ và DN nào nỗ lực duy trì được càng nhiều việc làm thì được Nhà nước hỗ trợ càng lớn”, VCCI đánh giá.
Ngoài ra, VCCI đề nghị mở rộng phạm vi và quy mô khoản hỗ trợ từ ngân sách cho các DN. VCCI cho rằng, trong trường hợp nguồn hỗ trợ này ảnh hưởng quá lớn đến thu ngân sách, không cân đối được, Nghị quyết nên ấn định một hạn mức hỗ trợ ngân sách tối đa.
“Điều này giúp gói hỗ trợ nhanh chóng có hiệu lực ngay trên thực tế với phạm vi đủ lớn, khắc phục khó khăn trên thực tế của một số gói hỗ trợ thời gian qua là dù con số công bố lớn nhưng tỷ lệ thực hiện được trên thực tế quá thấp, chưa tạo ra được hiệu ứng mạnh trên thực tế”, VCCI nhận định.
Thanh Hoa