Tại Hội thảo Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp diễn ra vào sáng nay (14/8), đề xuất tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nêu trong Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được nhiều hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế quan tâm.
Đại diện Hiệp hội Bia - Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) kiến nghị, đề xuất trong dự thảo cần được xem xét, đánh giá cẩn trọng và có lộ trình, xem xét lùi thời điểm áp dụng, giãn tiến độ và giảm mức tăng thuế suất đối với ngành rượu, bia trên cơ sở đánh giá toàn diện các tác động trong điều kiện thực tế ở Việt Nam.
Đối với mặt hàng nước giải khát có đường hiện nay còn rất nhiều tranh luận về các bằng chứng khoa học liên quan tới đối tượng áp dụng, nguyên nhân chính gây thừa cân béo phì, bệnh không lây nhiễm... VBA kiến nghị xem xét chưa bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
Nhiều chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp cho rằng cần có lộ trình xem xét, cân nhắc việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia. |
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cần xem xét, cân nhắc kỹ việc tăng thuế trong bối cảnh kinh tế hiện tại của Việt Nam, nhằm tránh gây sốc cho doanh nghiệp, mà vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước. Cần đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế. Việc này giúp đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, nhưng không để cho người nộp thuế lâm vào tình trạng khốn cùng.
“Nếu tổng số thuế phải trả quá lớn, đời sống người dân lao động không được đảm bảo, thì nền kinh tế sẽ bị trì trệ một cách gián tiếp và nguy cơ trốn thuế rất tiềm tàng…”, ông Long nhấn mạnh.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi có thể làm tăng thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng trong trung - dài hạn sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp, qua đó giảm thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, tổng hòa về việc tăng hay giảm thu thuế là chưa rõ. Cần đánh giá tác động một cách thấu đáo và toàn diện, để từ đó lựa chọn hướng sửa đổi phù hợp nhất với bối cảnh kinh tế của Việt Nam.
Theo ông Lực, cần hướng đến chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hài hòa với các mục tiêu và phù hợp bối cảnh cụ thể. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cao, liên tục có thể không mang lại hiệu quả cao như mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt đề ra.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) đánh giá, việc tăng thuế làm tăng giá bán, có thể hạn chế sản xuất rượu, bia, song chưa hẳn đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng mặt hàng rượu, bia, do thực tế việc tăng thuế cao có thể dẫn đến hàng nhập lậu tăng. Người tiêu dùng có thu nhập cao chuyển sang uống rượu, bia nhập lậu. Người tiêu dùng ở nông thôn nhiều khả năng chuyển sang tự cung, tự cấp và bán lấy lãi bằng cách tự nấu rượu, tự pha chế. Hành vi này vừa không nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, vừa không đảm bảo chất lượng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Do đó, cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ thêm tác động của tăng thuế nhanh, cao theo Dự luật đến thị trường, hoạt động sản xuất - kinh doanh, người tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng.
Đại diện cơ quan quản lý thị trường cho rằng, sự chênh lệch lớn về thuế suất dễ tạo động lực cho các đối tượng kiếm lời phi pháp, còn người dân sẽ lựa chọn giá sản phẩm rẻ hơn, tiện dụng hơn, mà không quan tâm đến chất lượng.
Về góc độ doanh nghiệp, Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) kiến nghị lùi thời gian điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm bia, rượu, nước giải khát có đường đến năm 2027 để doanh nghiệp có thêm thời gian thích ứng và chuẩn bị cho chính sách thuế mới này.
Anh Đức