Tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất một số quy định mới về đóng thuế VAT.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, các cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ từ 100 triệu đồng/năm không phải chịu thế VAT, tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất tăng mức doanh thu không phải chịu thuế lên 150 triệu đồng/năm.
Bộ Tài chính cũng đề xuất áp thuế suất 5% với mặt hàng phân bón thay vì không chịu thuế như hiện tại. |
Lý giải về đề xuất, Bộ Tài chính cho biết, kể từ khi Luật Thuế VAT sửa đổi năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế VAT 2008 có hiệu lực (từ 1/1/2014) cho đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng nhiều. Theo đó, việc điều chỉnh mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh cho phù hợp với mức biến động của giá cả là cần thiết.
Việc tăng mức chịu thuế của các cá nhân, hộ kinh doanh, theo Bộ Tài chính, không làm phát sinh chi phí tuân thủ, thủ tục hành chính với người nộp thuế và minh bạch trong quản lý thuế.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất áp thuế suất 5% với mặt hàng phân bón thay vì không chịu thuế như hiện tại.
Về mặt lý thuyết, khi bỏ 5% VAT thì giá phân bón sẽ giảm tương ứng do đây là phần thuế đánh trực tiếp vào người tiêu dùng cuối, người nông dân. Tuy nhiên, một vấn đề khác phát sinh là khi không có VAT phân bón đầu ra thì phần VAT đầu vào (thiết bị máy móc, nguyên liệu sản xuất...) của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón sẽ không được khấu trừ. Để đảm bảo hiệu quả hoạt động, doanh nghiệp phải đưa phần thuế không được khấu trừ này vào phần chi phí sản xuất, từ đó khiến giá sản phẩm tăng lên, ước khoảng 5-8% so với thông thường.
Như vậy, thực tế khi không chịu thuế VAT, giá phân bón không giảm mà còn tăng. Bởi chi phí này sau đó tính vào giá thành sản xuất, khiến giá bán tăng và lợi nhuận giảm.
Vì vậy, tại dự thảo Luật Thuế VAT sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế suất 5% với mặt hàng phân bón thay vì không chịu thuế như hiện tại.
Theo cơ quan này, phần lớn phân bón nhập vào Việt Nam được các nước xuất khẩu xếp vào diện chịu thuế VAT, nên doanh nghiệp của họ được hoàn thuế đầu vào và có điều kiện hạ giá bán. Điều này gây bất lợi cho phân bón trong nước khi cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Trong khi đó, Nhà nước mất nguồn thu ngân sách do không thu được thuế VAT ở khâu nhập khẩu trong khi thuế nhập khẩu vốn rất thấp hoặc đã về 0%. Còn nông dân phải mua giá cao do các nhà sản xuất trong nước đẩy một phần chi phí thuế vào giá thành.
Trước đó, các doanh nghiệp phân bón, Bộ Công Thương, Hiệp hội phân bón và đại biểu Quốc hội tại nhiều tỉnh, thành cũng phản ánh khó khăn trên và đề nghị chuyển mặt hàng này sang đối tượng chịu thuế VAT 5%.
Một chuyên gia cho rằng khi phân bón chịu thuế VAT 5%, người nông dân chắc chắn sẽ được hưởng lợi lâu dài. Bởi khi áp thuế VAT phân bón với thuế suất 5%, thì khoản thuế VAT đầu ra này thấp hơn khoản thuế VAT đầu vào với thuế suất 10%, tức là doanh nghiệp sẽ được hoàn một phần thuế VAT đầu vào đã nộp, nhờ đó giảm giá thành sản xuất, giảm giá bán tới nông dân so với hiện nay.
Bên cạnh đó, khi sản xuất kinh doanh hiệu quả và khi thuế VAT đầu vào được khấu trừ, thậm chí được hoàn thuế, thì doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại, mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tất cả những điều này đều giúp phục vụ cho nông nghiệp, nông dân tốt hơn.
Thanh Hoa