Mới đây, CTCP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) cho biết đã nhận được 19 quyết định của Cục thuế TP Hà Nội ký ngày 29/12/2023 về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản mở tại các ngân hàng của doanh nghiệp. Lý do bị cưỡng chế là FLC có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định.
Tổng số tiền bị cưỡng chế là gần 90 tỷ đồng, trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp là gần 62 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân là gần 15 tỷ đồng, còn lại là các khoản tiền phạt vi phạm hành chính, tiền chậm nộp thuế.
Trong quá trình thi hành cưỡng chế, ngân hàng có trách nhiệm trích số tiền trên để nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước quận Cầu Giấu. Trong trường hợp tài khoản của FLC nhỏ hơn số tiền cưỡng chế, ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi để trích tiếp số tiền phát sinh có trên tài khoản của doanh nghiệp trên trong thời gian quyết định có hiệu lực (từ ngày 19/12/2023 - 29/1/2024).
FLC lại tiếp tục chịu cưỡng chế gần 90 tỷ đồng thuế do có số tiền quá hạn nộp. |
Được biết, lô trái phiếu FLCH2123003 của doanh nghiệp này phát hành ngày 28/12/2021 và đáo hạn vào 28/12/2023. Dư nợ gốc trái phiếu đến ngày báo cáo là 996,86 tỷ đồng, còn lãi chậm thanh toán tạm tính là 113,5 tỷ đồng. Theo đó, tổng số tiền mà FLC chưa thể thanh toán đúng hạn gốc và lãi của lô trái phiếu này lên tới hơn 1.100 tỷ đồng.
FLC cho biết doanh nghiệp dự kiến thanh toán trước ngày 28/12/2025 trong trường hợp Hội nghị người sở hữu trái phiếu thông qua phương án gia hạn. Tuy nhiên, việc gia hạn này đang trong quá trình đàm phán.
Vào tháng 10/2023, FLC cũng từng nhận 19 quyết định cưỡng chế thuế từ Cục thuế TP Hà Nội với số tiền cưỡng chế hơn 81,6 tỷ đồng vì lý do tương tự. Trong đó bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp 61,7 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân 12,9 tỷ đồng, còn lại là các khoản phạt vi phạm hành chính và phạt chậm nộp.
Cuối tháng 7/2022, Cục thuế TP Hà Nội đã ban hành 9 quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản của FLC mở tại các ngân hàng. Tổng số tiền bị cưỡng chế khi đó là 71,88 tỷ đồng.
Trong hai tháng 8 - 9/2022, FLC đã nhận tổng cộng 9 quyết định cưỡng chế của Cục thuế Quảng Bình và 8 quyết định cưỡng chế của Chi cục Thuế khu vực TP. Sầm Sơn - Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa). Tổng số tiền bị cưỡng chế là hơn 1.260 tỷ đồng.
Về tình hình doanh nghiệp, sáng ngày 2/1, công ty có kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua miễn nhiệm các thành viên Hội đồng quản trị và báo cáo kết quả tái cơ cấu tập đoàn, cũng như kế hoạch hoạt động kinh doanh năm nay. Song, kỳ họp đã không đủ điều kiện để tiến hành do không đủ cổ đông tham dự.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Tổng Giám đốc của FLC cho biết, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế kéo dài, nhiều đối tác của FLC đang trong tình trạng khó khăn, mất khả năng thanh toán, không thể liên hệ, không còn hoạt động tại trụ sở đăng ký kinh doanh. FLC do đó phải đối mặt với tình trạng khó thu hồi một số khoản công nợ.
Cũng theo ông Công, nếu tiếp tục ghi nhận và theo dõi trên sổ sách kế toán sẽ không phản ánh được chính xác hoạt động của doanh nghiệp, do đó, cần hạch toán ngoại bảng và xử lý các khoản dự phòng theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Bùi Ly