Trong những năm qua, Hà Nội là một trong những địa phương đứng đầu về chỉ số phát triển thương mại điện tử. Tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến ước đạt 50%. Tỷ lệ doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử ước đạt 45%.
Lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội cho rằng thương mại điện tử là hoạt động kinh doanh nhận được sự quan tâm lớn của các ngành, các cấp trong giai đoạn hiện nay.
Với nền tảng là công nghệ thông tin, hoạt động trên không gian mạng, các giao dịch diễn ra không phụ thuộc vào vị trí, khoảng cách địa lý, vì vậy hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có sự phát triển rất nhanh và mạnh.
Những cá nhân nộp thuế lớn nhất trong thương mại điện tử đa phần có nguồn thu từ công việc viết phần mềm YouTube và các mạng xã hội. |
Theo Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc, những cá nhân nộp thuế lớn nhất trong thương mại điện tử đa phần có nguồn thu từ công việc viết phần mềm YouTube và các mạng xã hội. Có người nộp thuế lên tới con số 33 tỷ đồng.
“Hy vọng những hỗ trợ đồng hành của các cơ quan thuế sẽ tiếp tục giúp doanh nghiệp, cá nhân hiểu được chính sách thuế. Vì khi người ta tuân thủ pháp luật sẽ hiểu những việc họ cần làm. Thay vì trốn thuế để mang lại những hậu quả, thậm chí là vướng vòng lao lý thì sẽ cố gắng tuân thủ. Từ đó cá nhân, doanh nghiệp còn có thể được hưởng những chính sách ưu đãi về thuế”, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam chia sẻ.
Ngành thuế cho biết, hiện nay, các biện pháp kiểm tra, thanh tra về thương mại điện tử vẫn đang thực hiện. Đối với cá nhân, thông qua mạng số liệu, cơ quan thuế sẽ kiểm tra Facebook và các nền tảng mạng xã hội của cá nhân đó, nếu nghi ngờ có hành vi gian lận thương mại điện tử, cơ quan thuế sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp số dư, từ đó có quyền truy thu thuế các cá nhân này.
Theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (hiệu lực từ 1/7/2020), cá nhân có thu nhập từ hoạt động kinh doanh với doanh thu trên 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế. Các cá nhân có thu nhập từ các trang mạng xã hội như Facebook, Google, YouTube thuộc diện cá nhân kinh doanh và phải khai nộp thuế theo tỷ lệ 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân.
Trường hợp không kê khai và nộp thuế theo quy định được coi là hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Chế tài xử lý là người nộp thuế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 đến 3 lần số tiền trốn thuế.
"Tinh thần là cơ quan thuế mong người nộp thuế chủ động, tự giác kê khai và nộp thuế theo đúng quy định", đại diện Cục Thuế Hà Nội cho hay.
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, tính đến thời điểm hiện tại đã có 84 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký và được cấp mã số thuế qua Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Trong đó có 67 nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp là 2.030 tỷ đồng.
Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài được Tổng cục Thuế vận hành từ đầu tháng 3/2022.
Hồi cuối năm 2023, Tổng cục Thuế cho hay đã có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế với tổng số thuế đã nộp là 8.096 tỷ đồng. Trong đó, có 6.896 tỷ đồng khai, nộp trực tiếp qua Cổng Thông tin điện tử và 1.200 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ nộp thay.
Như vậy, số thuế do các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp chỉ trong 2 tháng đầu năm đã bằng tới 1/4 con số lũy kế kể từ khi triển khai hệ thống này cho đến hết năm 2023.
Trong tháng 3/2024, cơ quan thuế tiếp tục thanh tra, kiểm tra, tránh thất thu trong các lĩnh vực có rủi ro cao về thuế như: giao dịch liên kết, chuyển nhượng vốn, thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, hoàn thuế giá trị gia tăng, gian lận sử dụng hóa đơn điện tử, khai thác tài nguyên, khoáng sản, kinh doanh dịch vụ. Đồng thời, triển khai các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Thanh Hoa