Theo các chuyên gia, giá vé máy bay đội lên cao do gánh nặng thuế, phí khá lớn, không những ảnh hưởng đến hoạt động đi lại bằng đường hàng không của người dân mà ngành du lịch cũng bị vạ lây.
Tuy nhiên, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ Trưởng Tài chính cho biết: "Thuế, phí trong giá vé máy bay được mấy xu, nhiều là bao nhiêu. Chúng ta cần hiểu các loại phí mọi người nói chiếm tỷ trọng cao trong giá vé là phí dịch vụ như phí đỗ máy bay, sân bay... do ngành giao thông quản lý".
Các hãng bay cho biết ngoài thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu nhiên liệu, thuế bảo vệ môi trường, giá vé máy bay còn "cõng" thêm hơn 20 loại phí dịch vụ.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, tỷ lệ thuế, phí trong vé máy bay được thu theo quy định và chiếm rất ít. |
Phản hồi ý kiến của Bộ trưởng Tài chính, ngày 24/5, Cục Hàng không Việt Nam nói các phí dịch vụ Bộ Giao thông Vận tải định giá chiếm tỷ trọng nhỏ, không tác động lớn đến giá vé máy bay.
Theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, trong giá vé máy bay đã bao gồm nhiều khoản chi phí từ nhiên liệu, thuế, chi phí sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay, các loại giá dịch vụ khác,...
Bộ Giao thông Vận tải chỉ quy định 3 loại chi phí gồm phục vụ chuyến bay, phí sân bay và an ninh soi chiếu. Trong đó, chi phí phục vụ chuyến bay theo đánh giá của Cục Hàng không thường chiếm 6-7% tổng giá vé. Nhóm chi phí này gồm tiền thu cất/hạ cánh, thuê sân đỗ máy bay, thuê quầy thủ tục hành, cầu dẫn khách lên xuống máy bay, phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất, phân loại hành lý, dịch vụ tra nạp xăng dầu.
Còn phí bay dao động từ 60.000-100.000 đồng tùy sân bay, phí soi chiếu 20.000 đồng một hành khách mỗi lượt.
Bên cạnh đó, còn có chi phí nhiên liệu hàng không theo thị trường quốc tế (chiếm 37-42%) trong đó, chi phí thuế do Bộ Tài chính quy định chiếm tỷ trọng từ 7,7-8,7% tổng chi phí 1 chuyến bay.
Thực tế, trong cơ cấu vé máy bay, các hãng thu hộ ngân sách Nhà nước thuế VAT, khoảng 8-10%. Còn các loại phí như phí sân bay, soi chiếu an ninh là hai khoản các hãng thu hộ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị đang quản lý, vận hành hơn 20 sân bay trên cả nước.
“Với cơ cấu như trên, cơ quan nhà nước chỉ có thể điều tiết giảm chi phí chuyến bay thông qua việc giảm chi phí liên quan trong vấn đề nhiên liệu, như giảm thuế nhập khẩu nhiên liệu, thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, cùng chi phí dịch vụ do Bộ Giao thông vận tải định giá”, Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận.
Theo tìm hiểu, đối với các chi phí trong vấn đề nhiên liệu, hiện nay, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay (chiếm tỷ trọng 2-2,3% tổng chi phí 1 chuyến bay) đang có mức thu khoảng 1.000 đồng/lít, được áp dụng đến hết năm 2024. Thuế VAT đối với nhiên liệu bay (chiếm tỷ trọng 3,4-3,8% tổng chi phí 1 chuyến bay) đang là 8% và thuế nhập khẩu nhiên liệu bay (chiếm tỷ trọng 2,3-2,6% tổng chi phí 1 chuyến bay) đang ở mức 7%.
Giá vé máy bay neo cao, ảnh hưởng tới phục hồi kinh tế, cũng nhận nhiều góp ý của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận ở tổngày 23/5. Đa số ý kiến cho rằng, cần tạo cơ chế cạnh tranh minh bạch, kiểm soát hạn chế tối đa sự chồng chéo của thuế, phí trên mỗi chiếc vé máy bay bán ra, có như vậy vé máy bay nội địa mới có sự cạnh tranh, hạ giá.
Nêu những bất cập ảnh hưởng tiêu cực khi giá vé máy bay tăng quá cao so với thu nhập người dân, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa –Vũng Tàu)cho hay thời gian qua giá vé máy bay nội địa tăng rất cao so với thu nhập của người dân, trung bình mức tăng ở tỷ lệ từ 13% đến 25%.
“Rất nhiều câu hỏi đặt ra xoay quanh tại sao và tại sao giá vé máy bay nội địa khá đắt so với thu nhập bình quân của người dân Việt Nam”, bà Phúc đặt vấn đề.
Theo vị đại biểu này cần tạo cơ chế cạnh tranh minh bạch trong các hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng không để đưa giá vé quay trở về bản chất thực.
Đồng thời, thu hút đầu tư hạ tầng hàng không thay vì chỉ có Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để kiểm soát hạn chế tối đa sự chồng chéo của thuế, phí trên mỗi chiếc vé bán ra làm cho giá vé tăng cao như trong thời gian qua.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội), cho rằng giá vé máy bay liên quan đến nhu cầu đi lại, ảnh hưởng đến du lịch, công ăn việc làm của người dân,…
“Theo tôi được biết, so với đường bay tương đương, Thái Lan còn rẻ hơn chúng ta rất nhiều. Ví dụ đi từ Bangkok đến Phuket, chặng bay 869km, giá vé 768.000 đồng, trong khi từ Hà Nội đi Đà Nẵng chỉ có 757 km, thì giá vé Vietjet là 1.112.000, còn Vietnam Airlines là 1.508.000 đồng, như vậy giá vé chúng ta cao so với khu vực”, ông Sơn cho biết.
Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đó là do thiếu tính cạnh tranh, chi phí bảo trì bảo dưỡng ở nước ngoài cao, khi phần lớn máy bay của Việt Nam phải ra nước ngoài bảo trì, bảo dưỡng, cùng với đó là thiếu sự kết nối giữa hàng không và du lịch, đa phần mạnh ai nấy làm, mà chưa có cách thức chia sẻ. Vì vậy, ông cho rằng cần có những đề xuất cụ thể quản lý vấn đề này.
Thanh Hoa