Theo Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), việc giá thép thành phẩm trên thị trường trong nước thời gian qua tăng cao, đặc biệt với thép xây dựng, chủ yếu do giá nguyên liệu thép trên thế giới tăng mạnh. Tình trạng này do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.
Trong 4 tháng đầu năm sản lượng thép xây dựng tăng 11,4% lên 3,7 triệu tấn. |
Trong khi sản xuất thép trong nước phụ thuộc đáng kể vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, cùng với nhu cầu tiêu thụ thép trong nước tăng cao, dẫn tới giá tăng.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 4 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội đã sản xuất khoảng 10,5 triệu tấn thép thành phẩm các loại, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản lượng thép xây dựng tăng 11,4% lên 3,7 triệu tấn. Đây cũng là mặt hàng thép chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Về giá thép, thống kê của VSA cho thấy, giá bán thép xây dựng tại các nhà máy (chưa tính thuế VAT, trừ chiết khấu) tháng 5/2021 bình quân khoảng 16,3 - 16,5 triệu đồng/tấn tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể, tăng khoảng 1,2 triệu đồng/tấn so với tháng 4.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, trước việc giá thép, đặc biệt thép xây dựng trong nước tăng cao thời gian gần đây, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng xem xét điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá trên thị trường.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, để bình ổn thị trường thép cần phải sử dụng các giải pháp đồng bộ trong ngắn và dài hạn. Trong đó, cần các giải pháp để cân đối cung - cầu, nâng cao năng lực sản xuất thép trong nước, đặc biệt về nguồn cung nguyên liệu. Đồng thời, có thể xem xét điều chỉnh chính sách thuế tự vệ thương mại đối với phôi thép và các sản phẩm thép xây dựng trong giai đoạn hiện nay (theo quyết định của Bộ Công Thương), để giảm giá phôi thép và thép thành phẩm nhập khẩu.
Trước đó, trong tháng 3/2020, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam thêm 3 năm. Giải pháp tự vệ thương mại này nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.
Mức thuế áp dụng với phôi thép nhập khẩu theo quyết định trên hiện áp dụng là 13,3% tới tháng 3/2022; và 11,3% từ tháng 3/2022 - 3/2023.
Với thép xây dựng thành phẩm nhập khẩu hiện áp thuế tự vệ 7,9%, và giảm còn 6,4% cho giai đoạn tháng 3/2022 - 3/2023.
Về giảm thuế với thép nhập khẩu, Bộ Tài chính nêu quan điểm, cần cân nhắc, tính toán cẩn trọng để vừa góp phần thúc đẩy ngành thép trong nước phát triển bền vững, bình ổn thị trường vừa tuân thủ các nguyên tắc của Luật thuế xuất nhập khẩu.
Cũng theo Bộ Tài chính, thuế với thép nhập khẩu hiện khá thấp theo các cam kết của Việt Nam trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tham gia. Hiện nguyên liệu thép nhập khẩu chỉ áp thuế từ 0-3% (tùy loại), phôi thép chỉ chịu thuế 1%.
Với thép xây dựng thành phẩm, chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, hiện mức thuế từ 15-20% (thép hình, thép góc, thép thanh).
Hoàng Hà