Tổng cục Thuế cho biết, căn cứ Luật Quản lý thuế và Nghị định 123/2020/NĐ-CP đối với quy định về hóa đơn điện tử của hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có nhiều văn bản chỉ đạo các Cục Thuế đẩy mạnh công tác tham mưu và sự phối hợp chỉ đạo của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, cơ quan thuế các cấp đã triển khai phối hợp chặt chẽ, tích cực với các cơ quan, ban, ngành sát sao, quyết liệt thực hiện phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và các cửa hàng xăng dầu tại địa phương thực hiện triển khai áp dụng hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán hàng đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
Số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu xuất hoá đơn điện tử sau mỗi lần bán hàng đạt khoảng 99,94% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu. |
Số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, đến nay, toàn quốc có 15.935 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, thống kê đến ngày 31/3/2024 đã có 15.925 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, đạt khoảng 99,94% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Đến nay chỉ còn 10 cửa hàng chưa thực hiện (chiếm 0,06%) với lý do cửa hàng được bố trí tại một số địa bàn vùng xa. So với thời điểm công bố ngày 27/3 của Tồng cục Thuế cho thấy cả nước vẫn còn hơn 1.200 đại lý xăng dầu chưa thực hiện xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán hàng, hiện có một số cửa hàng đã bị đóng cửa hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh.
Với 10 cửa hàng chưa xuất hoá đơn điện tử mỗi lần bán hàng, theo quy định, sau ngày 31/3 sẽ phải đóng cửa. Phía Tổng cục Thuế hiện chưa đưa ra thông tin về phương án xử lý với 10 cửa hàng này.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu không kết nối, thực hiện xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng trước 31/3 sẽ bị xử lý. Chế tài nặng nhất là cây xăng vi phạm có thể bị thu hồi giấy phép, dừng hoạt động.
Việc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng được quy định rõ tại Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 123/2020 về hóa đơn, chứng từ.
Tuy nhiên, những năm qua, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn chậm trễ trong việc xuất hóa đơn điện tử. Đến cuối năm 2023 mới có 2.700 cửa hàng thực hiện, chủ yếu thuộc hệ thống của Petrolimex và Saigon Petro. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, yêu cầu phải xuất hóa đơn xăng dầu 100% sau mỗi lần bán là điều khó do vướng mắc liên quan tới các vấn đề kỹ thuật, như chọn công nghệ, kiểm định cột bơm, chi phí... Để đẩy nhanh việc tiến độ, ngoài cơ quan thuế, Bộ Công Thương - cơ quan quản lý thị trường xăng dầu, đã hai lần giục các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thực hiện quy định này.
Việc xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, theo Tổng cục Thuế, sẽ giúp ngành thuế kiểm soát phát hành hóa đơn, ngăn gian lận và hạn chế buôn lậu xăng dầu.
Thanh Hoa