Việc nâng hạng đánh giá này thể hiện kỳ vọng của Moody’s về sự gia tăng khả năng trả nợ của ngành ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn 12-18 tháng tới.
Ông Eugene Tarzimanov, Phó chủ tịch và là chuyên gia tín dụng cao cấp của Moody’s cho biết sự điều chỉnh triển vọng nói trên cho thấy sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam nhờ nhu cầu trong nước, xuất khẩu và đầu tư công đều khả quan. Ông Tarzimanov cho biết Moody’s dự đoán Tổng sản phẩm trong nước (GDP) thực tế của Việt Nam sẽ tăng 6,1% trong năm 2017 và 6% vào năm 2018, nhanh hơn mức trung bình 5,9% trong giai đoạn 5 năm trước đó.
Trong báo cáo về triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam, Moody’s cho rằng môi trường hoạt động của các ngân hàng sẽ được hưởng lợi từ đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, dựa trên những cải thiện cơ sở hạ tầng hiện có, những đặc điểm nhân khẩu học thuận lợi và sự tập trung của chính phủ vào việc cải cách nhằm hỗ trợ cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Theo Moody’s, chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam phần lớn sẽ vẫn ổn định trong giai đoạn 12-18 tháng tới, trong đó tỷ lệ các khoản vay có nhiều rủi ro ở mức 7,1% vào cuối năm 2016, giảm nhẹ so với mức 7,5% năm 2015. Moody's dự đoán con số này sẽ còn giảm xuống 5,8% trong năm 2018, do tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh hơn sự hình thành các khoản vay rủi ro và sự phục hồi vừa phải của lĩnh vực bất động sản.
Moody's xếp hạng 15 ngân hàng Việt Nam chiếm tổng cộng 58% giá trị tài sản của toàn hệ thống ngân hàng trong nước tính đến ngày 30/6/2017. Ba ngân hàng trong số này là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Công Thương Việt Nam; 12 ngân hàng còn lại là các ngân hàng thương mại cổ phần thuộc sở hữu tư nhân.
VT