Thống kê hiện nay cho thấy, Việt Nam đang đứng thứ 16 trong số 22 nước có ngành công nghiệp dược đang phát triển dựa theo tiêu chí tổng giá trị tiêu thụ thuốc hàng năm (4,8 tỷ USD). Tuy nhiên, giá trị sản xuất trong nước chỉ chiếm 2,18% so với tổng doanh thu công nghiệp sản xuất quốc gia năm 2014. Thị phần ngành công nghiệp dược tăng trưởng khoảng 24%, tuy nhiên doanh số thu được gần như thấp nhất khu vực với 0,8 tỷ USD/năm, trong khi Trung Quốc là 18,8 tỷ USD, Ấn Độ 7,6 tỷ USD, Philippines là 2,3 tỷ USD.
Nhập khẩu 80-90% nguyên liệu
Xếp hạng của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), cho thấy, công nghiệp dược của Việt Nam mới chỉ dừng ở mức độ 3 theo thang phân loại 5 mức phát triển. Điều đó cho thấy công nghiệp dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập khẩu.
Phần sản xuất trong nước chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ do phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu làm thuốc. Do vậy, quy mô canh tác vùng cây dược liệu mới chỉ khoảng 15.000 ha, đáp ứng gần 30% nhu cầu sản xuất trong nước.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, ngành công nghiệp dược liệu vẫn còn rất nhỏ bé, nghèo nàn về chủng loại sản phẩm, dẫn tới trên 90% sản phẩm phải nhập khẩu, tập trung chủ yếu trong khâu bào chế, gia công thuốc trên cơ sở nguyên liệu nhập.
Trong số 170 cơ sở sản xuất dược phẩm, chỉ có 7 cơ sở sản xuất nguyên liệu hóa dược với 2/7 cơ sở đạt GMP – tiêu chuẩn thực phẩm sản xuất tốt. Nguyên liệu để sản xuất hóa dược mới chỉ có một số khoáng sản vô cơ như các quặng khoáng, axit, kiềm, muối vô cơ, dược liệu ở quy mô manh mún các hóa chất cơ bản trung gian nói chung đều phải nhập khẩu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành phần lớn có quy mô nhỏ, phân tán, thiếu các điều kiện về xử lý chất thải, nguồn vốn hạn chế nên công tác đầu tư cho công nghệ xử lý và các biện pháp bảo vệ môi trường chưa được quan tâm.
Thừa nhận thực tế này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng ngành dược phẩm ở Việt Nam đang tồn tại nghịch lý là đất nước nông nghiệp phát triển với nhiều điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, nguồn nguyên liệu dược liệu phong phú, dược liệu từ thiên nhiên rất đa dạng, bao gồm động vật, thực vật, khoáng sản. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải nhập nguyên liệu tới 80% dược liệu.
Cùng với đó, các sản phẩm thuốc đặc trị để điều trị tiểu đường và kháng sinh còn rất hạn chế, đặc biệt, thuốc chống ung thư nước ta phải nhập khẩu hoàn toàn các loại hóa chất điều trị từ nước ngoài với giá rất đắt, trong khi chúng ta có nhiều loại cây chứa các hoạt chất hoặc các tiền chất chống ung thư như cây thông đỏ, cây dừa cạn…
![]() |
Ngành công nghiệp dược chưa khai thác được lợi thế dược liệu quý hiếm
Quy hoạch manh mún, nhỏ lẻ
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc nội thời gian qua có xu hướng tăng nhưng chỉ tăng ở tuyến xã, huyện, còn ở tuyến trung ương rất khiêm tốn, chỉ khoảng 11%. Việc nghiên cứu ứng dụng các sản phẩm mới trong các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, chủ yếu là theo thị trường nên có sự trùng lắp. Các doanh nghiệp trong nước sản xuất chủ yếu vẫn trên dây chuyền đơn giản.
Những năm 1980, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nhiều tinh dầu, dược liệu nhưng đến nay, 80% nguyên liệu bào chế dược trong nước phải đi nhập khẩu. Nguyên nhân là do quy hoạch ngành chưa đủ mạnh dẫn đến sự phát triển theo hướng “mạnh ai nấy làm”.
Nghịch lý này cũng được Ts. Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam nêu lên. Theo Ts Cảnh, Việt Nam thuộc vùng khí hậu có nhiều tiềm năng để phát triển dược liệu, có rất nhiều giống dược liệu tốt mang tính đặc thù. Tuy nhiên, phần lớn dược liệu thô hiện tại chưa được khai thác để phục vụ ngành dược trong nước mà chuyển đi xuất khẩu, rồi sau đó chính nguyên liệu bào chế dược lại được nhập trở lại.
Đồng quan điểm với Bộ trưởng Tiến, ông Cảnh cho rằng nhiều loại dược liệu trong nước có nhiều tác dụng và hoàn toàn có thể tận dụng để bảo chế dược, như cây quế chẳng hạn, nhưng chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng.
“Trung Quốc hiện tại đang nhập khẩu rất nhiều dược liệu thô từ Việt Nam, nếu không có giải pháp cụ thể, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội phát triển một trong những ngành vốn là thế mạnh”, ông Cảnh cảnh báo.
Dưới góc độ DN, bà Đào Thuý Hà, Giám đốc Marketing của công ty CP Traphaco, cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam có nhiều lựa chọn khác nhau, nên nghiêng về lựa chọn sản phẩm tốt, giá cả hợp lý, minh bạch thông tin. Đấy chính là thách thức của DN.
Tuy nhiên hiện nay, một trong những nguyên nhân khiến ngành công nghiệp dược phẩm chưa phát triển như mọng đợi là do cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ công nghiệp sản xuất hóa dược và phục vụ nghiên cứu triển khai, ứng dụng trong sản xuất hóa dược còn lạc hậu và không đồng bộ…
Đặc biệt, việc phối hợp của 4 nhà: nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông và nhà khoa học còn rất hạn chế, chưa liên kết thúc đẩy ngành công nghiệp dược phẩm phát triển. Nếu có sự hợp tác nghiên cứu và đầu tư đúng mức sẽ mở ra triển vọng sản xuất các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Song để làm được việc này, trước tiên cần chú trọng đầu tư phát triển vùng nuôi, trồng dược liệu. Đầu tư có trọng điểm các cơ sở sản xuất hóa chất và nguyên liệu làm thuốc. Ưu tiên đầu tư sản xuất thuốc thiết yếu, thuốc có thế mạnh xuất khẩu, thuốc từ dược liệu và thuốc gốc (generic) thay thế thuốc nhập khẩu.
Thy Lê