Dù trong bối cảnh năm 2024 khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng với khả năng thích ứng linh hoạt ngành thủy sản Việt Nam đã đạt được thành tích ấn tượng với giá trị xuất khẩu 10 tỉ USD, tăng 12,7% so với năm 2023. Các mặt hàng chủ lực đều có tăng trưởng tích cực như: tôm 4 tỉ USD, tăng 16,7%; cá ngừ gần 1 tỉ USD, tăng 17%; cá tra 2 tỉ USD, tăng 9,6%.
Nói về thành tựu năm 2024, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng những con số trên thể hiện ngành thủy sản đang đi đúng hướng trong việc phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Năm 2024, ngành thủy sản Việt Nam đã đạt được thành tích ấn tượng với giá trị xuất khẩu 10 tỉ USD, tăng 12,7% so với năm 2023. |
Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam từng bước đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình nuôi trồng và chế biến, không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu. Những bước tiến này đã và đang khẳng định vị thế của ngành thủy sản Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.
Phát biểu tại buổi Lễ Mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỉ USD năm 2024, chiều 23/12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá cao các hoạt động của VASEP trong việc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về thuỷ sản, liên kết hoạt động của các doanh nghiệp, xây dựng mối liên kết với nông, ngư dân sản xuất nguyên liệu, đặc biệt là sự linh hoạt trong chỉ đạo tổ chức sản xuất và xuất khẩu nông sản. Dự kiến xuất khẩu nông sản của nước sẽ thiết lập mốc 62 tỷ USD, thặng dư thương mại ở mức tăng cao, trong đó có đóng góp của lĩnh vực thủy sản.
Nói về năm 2025, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tiếp tục có những thách thức mới đối với ngành thủy sản, trong đó, việc giải quyết thẻ vàng IUU, thích ứng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và các rào cản từ thị trường sẽ là mục tiêu quan trọng.
Dù vẫn sẽ có nhiều thách thức, nhưng Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ sự tin tưởng, với sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp, cùng với sự đồng hành của VASEP và Bộ NN-PTNT, sẽ tiếp tục vượt qua những khó khăn này và tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
"Tôi cũng tin tưởng rằng, với sự quyết tâm và sáng tạo, ngành thủy sản Việt Nam sẽ vượt qua mốc 10 tỷ USD trong năm 2025, và tiến tới mục tiêu 11 tỷ USD, trong bối cảnh nguồn nguyên liệu được cải thiện và thị trường xuất khẩu được mở rộng. Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện uy tín của các doanh nghiệp sẽ giúp chúng ta gia tăng thị phần, khẳng định vị thế của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế...".
Nói thêm về câu chuyện xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam lưu ý các DN xuất khẩu thủy sản về việc đáp ứng các thay đổi của từng thị trường, trong đó đặc biệt là lĩnh vực liên quan đến an toàn thực phẩm, tiếp đến là trách nhiệm với môi trường, xã hội.
Theo ông Nam, để xuất khẩu các lô hàng thuỷ sản tới thị trường lớn, ngoài những quy định của thị trường bắt buộc phải tuân thủ thì bây giờ cần có thêm các chứng nhận bền vững, mà các yêu cầu này là của hầu hết người mua hàng, giới bán lẻ. Ví dụ người mua hàng châu Âu yêu cầu phải có chứng nhận ASC…
“Về phía nhà xuất khẩu, chúng ta phải có sự chuẩn bị cho các thay đổi đó. Hiện nay, châu Âu, Mỹ, Nhật là các thị trường có doanh số đứng top 3 trong xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam và các thị trường này đều có các yêu cầu về quản lý tài nguyên, yêu cầu phải chứng nhận thuỷ sản có nguồn gốc khai thác hợp pháp, quản lý và trách nhiệm”, ông Nam thông tin.
Ngoài ra, các chuỗi cung ứng phải có trách nhiệm tự chuẩn bị, mà liên quan nhiều nhất là yêu cầu phát triển bền vững ESG, vì vậy các doanh nghiệp phải tự nhận thức được vấn đề này và phải thay đổi để thích ứng. Đối với lĩnh vực thuỷ sản, số lượng hồ sơ đi kèm với lô hàng ngày càng nhiều hơn, từ các giấy tờ chứng minh an toàn thực phẩm, cho tới các chứng chỉ về ESG, môi trường, xã hội…
“Tôi cho rằng, trong tương lai những ngành kinh doanh có điều kiện, đặc biệt là gắn với sức khoẻ con người sẽ luôn phải đương đầu với những yêu cầu khắt khe đó. Song nếu có sự chuẩn bị thì tôi tin rằng doanh nghiệp sẽ đáp ứng tốt” - Phó Tổng thư ký VASEP nhấn mạnh.
Hồng Hương