Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 9, xuất khẩu rau quả đạt con số cao kỷ lục 667,5 triệu USD, tăng gần 44% so với tháng trước. Tuy nhiên, kỷ lục này cũng nhanh chóng bị phá vỡ vì ước tính xuất khẩu rau quả trong tháng 10 đạt trên 699 triệu USD, tăng gần 5% so với tháng 9. Nếu so với tháng 10/2022 (đạt gần 310 triệu USD), xuất khẩu rau quả trong tháng 10 năm nay tăng tới 126%.
Còn theo thông tin Hiệp hội Rau quả Việt Nam vừa công bố, dự báo lũy kế 10 tháng của năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 4,9 tỷ USD, tăng 78,4% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương con số tăng tuyệt đối là 2,16 tỷ USD. Kết quả này vượt xa so với kế hoạch hồi đầu năm (4 tỷ USD) và là mức cao nhất từ trước đến nay.
Trung Quốc là thị trường đứng đầu về thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 65%, tăng 22% so với cùng kỳ 2022. |
Hiện Trung Quốc là thị trường đứng đầu về thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 65%, tăng 22% so với cùng kỳ 2022. Theo đó, trong 9 tháng của năm 2023, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt trên 2,75 tỷ USD, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao kỷ lục. Tiếp đến là Hà Lan tăng 50%, Hàn Quốc tăng 21%, Nhật Bản tăng 6%. Trong top 5, chỉ có Mỹ giảm 4% so với cùng kỳ 2022.
Thống kê chi tiết của Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến hết tháng 9, mặt hàng rau quả xuất khẩu tăng mạnh nhất là sầu riêng, đạt tới 1,63 tỷ USD, gấp hơn 14 lần so với con số 113 triệu USD của cùng kỳ năm trước, và chiếm tỷ trọng lớn nhất với 55% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ngoài ra, xuất khẩu mít, xoài, nhãn, bưởi, dưa hấu của Việt Nam sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan cũng tăng mạnh, dao động 45-150% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các chuyên gia ngành rau quả, trong tháng 9 và tháng 10 với tâm điểm là thủ phủ sầu riêng Đắk Lắk vào đợt thu hoạch chính vụ đã đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt mức lịch sử. Tạm tính sầu riêng chiếm 50% trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả thì trong tháng 10, mặt hàng này mang về khoảng 350 triệu USD. Như vậy, đến hết tháng 10, ước xuất khẩu sầu riêng đạt tới cột mốc không tưởng 2 tỷ USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả, nhận xét nguyên nhân rau quả xuất khẩu vượt kế hoạch là Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường, trong đó có Trung Quốc. Đặc biệt, sầu riêng là sản phẩm được người tiêu dùng nước này ưa chuộng nên sản lượng xuất khẩu tăng đột biến vài chục lần và trở thành sản phẩm tỷ USD. Đây cũng là loại trái cây giúp kim ngạch rau quả tăng trưởng vượt bậc.
Tuy nhiên, ông Nguyên cho biết hiện chỉ còn sầu riêng ở Gia Lai và vụ nghịch ở rải rác một vài nơi, nhiều nhất là các tỉnh miền Tây. Sản lượng sầu riêng giảm sẽ kéo giảm kim ngạch xuất khẩu của rau quả. Trong 2 tháng cuối năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ khó đạt con số kỷ lục như tháng 9 hay 10 nhưng vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm trước. Dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả cả năm sẽ đạt khoảng 5,5 tỷ USD. Năm 2024 chúng ta có thể hy vọng kim ngạch xuất khẩu rau quả vượt con số 6 tỉ USD.
Ngoài xuất khẩu, ở chiều ngược lại, nhập khẩu rau quả của Việt Nam đang chậm lại. 10 tháng, nhập khẩu rau quả đạt 1,6 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong top 10 thị trường nhập khẩu rau quả, 7 thị trường Việt Nam giảm mua và chỉ nhập tăng các mặt hàng rau quả từ Hàn Quốc, New Zealand và Ấn Độ. Các mặt hàng tăng nhập khẩu từ Ấn Độ như hành tây, cà ri, quế hồi. Đây là những loại mà Việt Nam thiếu hoặc giảm sản lượng so với cùng kỳ 2022.
Thanh Hoa