Đây là những điểm nghẽn cản trở phát triển thị trường lúa gạo Việt Nam vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra tại Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2015 với chủ đề "Tiềm năng hội nhập Thách thức hòa nhập", sáng ngày 28/5.
"Bẫy" xuất khẩu giá rẻ
Theo Ts. Nguyễn Đức Thành, Viện Trưởng VEPR, cùng với những biến chuyển của thị trường lúa gạo thế giới, chú trọng mở rộng quy mô lúa gạo Việt Nam đang tạo ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn tới sự phát triển bền vững của thị trường lúa gạo như giá gạo XK ở mức thấp và luôn bấp bênh, tạo sức ép giảm giá lên toàn bộ thị trường; gia tăng nguy cơ đất trồng bị thoái hóa; đời sống người nông dân chưa thực sự được cải thiện...
Cụ thể, khi phân tích cấu trúc thị trường lúa gạo thế giới cho thấy trong dài hạn, cung XK gạo có khả năng sẽ lớn hơn cầu. Nhận định này xuất phát từ việc nhiều quốc gia nhập khẩu (NK) gạo như Philippines và Indonesia đang nỗ lực đầu tư mạnh cho ngành lúa gạo để sớm tự túc; trong khi đó, một số quốc gia tiềm năng đang gia tăng năng suất trồng lúa như Ấn Độ, Campuchia và Myanmar.
Ngoài ra, theo VEPR, nhu cầu tiêu thụ gạo tại các quốc gia châu Á lại chuẩn bị đạt đỉnh và sẽ có xu hướng đi ngang hoặc giảm nhẹ từ năm 2030.
Ngành lúa gạo Việt Nam cần thay đổi định hướng lớn, chú trọng vào thị trường nội địa
Mối lo được VEPR cảnh báo này tuy không mới nhưng vẫn là vấn đề nhức nhối đang cản đường hoạt động XK gạo của Việt Nam. Khi theo thống kê hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường NK gạo lớn nhất của Việt Nam và họ chủ yếu NK gạo cấp thấp. Ngoài Trung Quốc, còn có các nhà NK gạo lớn khác của Việt Nam là Malaysia, Indonesia và Philippines. Tuy nhiên, các thị trường này cũng chủ yếu NK gạo giá rẻ, chất lượng thấp.
Trước đó về vấn đề này, ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Công ty AgroMonitor, chuyên phân tích và dự báo thị trường nông sản, đã không ngần ngại đưa ra khuyến cáo, các thị trường này thực sự là thị trường "bẫy" giá rẻ, vì họ chủ yếu nhập gạo cấp thấp của chúng ta, đa phần là gạo 25% tấm và một số gạo 5%.
Nâng chất gạo Việt
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần phải xem xét lại định hướng lớn của toàn ngành nhằm phù hợp với đặc điểm thị trường lúa lúa gạo thế giới; cùng với đó, cần có những chính sách phù hợp, dựa vào lực lượng thị trường lúa gạo trong nước, nhằm nâng cao hiệu quả ngành lúa gạo, tạo cơ sở phát triển ngành lúa gạo một cách bền vững.
Theo Ts. Thành, ngành lúa gạo Việt Nam cần thay đổi định hướng lớn, chú trọng vào thị trường nội địa. Thị trường nội địa cần đóng vai trò là nơi xây dựng và kiểm nghiệm chuẩn mực về chất lượng gạo, thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ gạo của Việt Nam.
Đồng thời, VEPR cũng đề xuất, Việt Nam nên lưu ý tiềm năng của khu vực xay xát - chế biến. Đây là khu vực có tiềm năng tự nhiên cần được khuyến khích phát triển, từ đó tích tụ vốn, tạo liên kết dọc, trở thành các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu, thiết bị chế biến hiện đại và có thị trường đầu ra ổn định, đảm bảo chất lượng thành phẩm. Để làm được điều đó, Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện bộ qui trình chuẩn về chế biến và xay xát gạo Việt Nam.
Ngoài ra, nhằm đẩy mạnh định hướng phát triển thị trường gạo nội địa, Việt Nam cũng cần bãi bỏ thuế VAT tiêu thụ gạo trong nước tạo ra sự công bằng giữa các DN kinh doanh lúa gạo; đồng thời cân nhắc xác định khấu hao các khoản liên quan đến đầu tư thủy lợi, hạ tầng, tiến tới tính đúng và đủ các khoản này vào giá thành sản phẩm lúa gạo, đặc biệt đối với lúa gạo XK.
Về phân đoạn mua bán lúa, để tăng hiệu quả và quyền lực của người nông dân tham gia sản xuất lúa gạo một cách bền vững, báo cáo thường niên này cũng đã phân tích và chỉ ra sự cần thiết trong phát triển cơ chế tài chính vi mô và bảo hiểm phù hợp cho người nông dân, đặc biệt nông dân nhỏ; bãi bỏ quy chế hạn điền, khuyến khích tịch tụ ruộng đất để trồng lúa với quy mô lớn….
Về phân đoạn tiêu thụ, nhằm tăng tính công bằng và hiệu quả của thị trường, các chính sách về điều kiện trở thành DN XK gạo trong Nghị định 109/NĐ-CP cần được nới lỏng. Ngoài ra, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cần được tổ chức lại để bảo đảm Hiệp hội phải có đại diện đầy đủ của DN tư nhân, chính quyền địa phương và nông dân trong hiệp hội này. Các quyết định của VFA phải kịp thời theo biến động của thị trường thế giới để bảo đảm quyền lợi cho DN và người nông dân.
Đặc biệt cùng với những đề xuất cho toàn ngành, Ts. Thành cũng thẳng thắn cho rằng cần phải định hướng lại Vinafood theo hướng thiên về thực thi chính sách (ví dụ chỉ thực hiện điều phối và giám sát mua gạo dự trữ), giảm dần vai trò thương mại trên thị trường, nhường chỗ cho các DN thuộc các thành phần khác tham gia.
Lê Thúy