Sau khi nhận được phản ánh từ các doanh nghiệp, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam phản ánh về việc cước vận chuyển tăng quá cao trong thời gian vừa qua.
Doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu phải trả tới 2.000 USD/container 40 feet. |
6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam ước đạt 155 ngàn tấn, kim ngạch đạt 500 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2020, lượng xuất khẩu giảm 7%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng 41%. Lượng xuất khẩu hồ tiêu giảm ngoài yếu tố sản lượng năm 2021 giảm, ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì chi phí logistics là nguyên nhân chính gây ra rất nhiều khó khăn và thiệt hại nghiêm trọng đến tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Theo tổng hợp từ các doanh nghiệp, giá cước vận chuyển đi các thị trường trọng điểm nhập khẩu hồ tiêu từ tháng 1/2021 cho tới tháng 6/2021 luôn trong chiều hướng tăng với biên độ rất cao, không có dấu hiệu ngừng lại với lý do chính hãng vận chuyển đưa ra là hệ lụy từ dịch bệnh COVID-19 dẫn đến thiếu hụt container.
Đối với hồ tiêu Việt Nam, Mỹ là thị trường chính và là thị trường quan trọng với lượng xuất khẩu chiếm 20-25%/năm và luôn duy trì sức mua ổn định cho tới hiện tại. Bên cạnh đó, EU cũng là thị trường trọng điểm và thị trường hướng đến của hầu hết các doanh nghiệp, trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do càng thúc đẩy tăng sức mua của thị này.
Tuy nhiên, đây lại là 2 tuyến vận chuyển đường biển có mức tăng giá cước phi mã và bất thường nhất với mức tăng khoảng 1.500-2.000 USD cho một container 40 feet cho 2 tuần. Trong khi đó, VPA cho biết, cước từ các nước châu Á khác như Ấn Độ đi Mỹ và châu Âu lại không tăng nhiều như ở Việt Nam.
"Hiện nay, việc tăng giá cước vận chuyển đường biển là một vấn đề hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình xuất khẩu hồ tiêu. Việc giá cước vận tải đường biển tăng giá phi mã, liên tục và không có lộ trình khiến doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Giá cước vận chuyển quá cao dẫn đến việc các doanh nghiệp xuất khẩu đánh mất thị trường về tay các đối thủ cạnh tranh trực tiếp", VPA cho biết.
Theo đó, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam mong sớm nhận được sự hỗ trợ và chỉ đạo kịp thời của các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan, sớm tháo gỡ các khó khăn của các doanh nghiệp gặp phải về chi phí logistics và giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn “khủng hoảng” về cước vận chuyển hiện nay.
Ở một diễn biến liên quan, giá tiêu ngày 13/7 cũng chịu tác động tiêu cực khi tiếp tục "đi ngang" so với cùng thời điểm sáng hôm qua, dao động trong khoảng 73.000 - 75.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu được thu mua với mức 74.000 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu ở mức 73.000 đồng/kg.
Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu ở mức 72.300 đồng/kg. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu ở mức 75.500 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước, giá tiêu được thu mua với mức 74.500 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ giữ nguyên ở mức 42.000 rupee/tạ. Tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam so với Rupee Ấn Độ được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu có hiệu lực kể từ ngày 8-14/7/2021 là 310,72 VND/IRN. Giá tiêu Ấn Độ cũng đang có chuỗi ngày "đi ngang".
Thy Lê