Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, theo ước tính, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 11/2023 đạt 65 nghìn tấn. Ước tính giá xuất khẩu đạt mức 5.512 USD/tấn, thu về trị giá khoảng 358 triệu USD.
Mức giá xuất khẩu điều dù đã giảm 12,6% so với tháng trước nhưng lượng xuất khẩu và trị giá lại tăng lần lượt ở mức 1,1% và 0,03% so với tháng 10/2023, so với tháng 11/2022 tăng 34,5% và tăng 30,7%.
Tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu hạt điều Việt Nam ước đạt 582 nghìn tấn, trị giá 3,31 tỷ USD, tăng 23,1% về lượng và tăng 17,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 11 tháng năm 2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.682 USD/tấn, giảm 4,7% so với cùng kỳ.
Về thị trường, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất hạt điều của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm thị trường Trung Quốc nổi lên là một thị trường mua tích cực, tăng mạnh nhập khẩu hạt điều Việt Nam.
Xuất khẩu hạt điều 11 tháng năm 2023 đạt 582 nghìn tấn, thu về trị giá 3,31 tỷ USD. |
Đáng chú ý, tháng 10/2023, xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc đạt 14.854 tấn với trị giá hơn 88,7 triệu USD, tăng 69,4% về lượng và tăng 77% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng này cao nhất từ đầu năm và đưa Trung Quốc vượt Mỹ, trở thành nhà nhập khẩu hạt điều Việt Nam lớn nhất trong tháng 10. Giá xuất khẩu bình quân sang thị trường này cũng được báo cáo tăng 2,8% so với cùng kỳ, đạt 6.123 USD/tấn.
Dự báo, trong tháng cuối năm 2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục tăng nhờ yếu tố chu kỳ và nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ và Châu Âu tăng nhằm phục vụ tiêu dùng các dịp lễ cuối năm.
Xuất khẩu điều cả năm được dự báo nhiều khả năng sẽ vượt mục tiêu điều chỉnh được đề ra, tuy nhiên vẫn khó đạt kế hoạch chỉ tiêu kim ngạch ban đầu.
Trước đó, do tình hình khó khăn từ nội tại lẫn thị trường xuất khẩu, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) đã đề nghị điều chỉnh kim ngạch xuất khẩu điều năm 2023 xuống con số 3,05 tỷ USD. Trước thời điểm này, VINACAS cũng đã đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu hạt điều giảm từ 3,8 tỷ USD theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuống còn 3,1 tỷ USD.
Bên cạnh kết quả đạt được, theo VINACAS, hiện nay hạt điều Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, uy tín, chất lượng điều chế biến là vấn đề nổi cộm nhất khi vừa qua, Hiệp hội Điều Việt Nam nhận văn bản cảnh báo về chất lượng từ 2 hiệp hội ở Hoa Kỳ và châu Âu, cùng một số khách hàng lớn. Trong đó, những chỉ tiêu bị cảnh báo là sâu mọt sống, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất lạ…
Không chỉ vậy, xuất khẩu điều thô hiện nay đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với các quốc gia khác, nhất là những quốc gia có thế mạnh về nguyên liệu như Bờ Biển Ngà và các nước Châu Phi.
Các chuyên gia trong ngành đưa ra ý kiến, trong bối cảnh nhiều lợi thế về giá cả đã không còn như hiện nay, ngành điều cần chú trọng hơn đến phát triển công nghệ, chất lượng chế biến và đa dạng sản phẩm chế biến để tăng lợi thế cạnh tranh.
Ông Phạm Văn Công - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam - nhấn mạnh: “Đến thời điểm hiện tại, việc giữ được chất lượng sản phẩm hạt điều xuất khẩu là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điều cũng như ngành điều Việt Nam”.
Bích Tâm