Trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 157,49 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (65%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước.
3 đối tác thương mại lớn ở châu Á là Trung Quốc (xuất khẩu 17,92 tỷ USD, nhập khẩu 38,08 tỷ USD); Hàn Quốc (xuất khẩu 8,32 tỷ USD, nhập khẩu 22,36 tỷ USD); Nhật Bản (xuất khẩu 7,39 tỷ USD, nhập khẩu 7,92 tỷ USD).
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang cả 5 châu lục (châu Á, châu Mỹ, châu Âu, châu Đại Dương và châu Phi) đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số. |
Mặc dù xuất khẩu sang thị trường châu Đại Dương tăng mạnh nhất là 28% nhưng do giá trị tuyệt đối còn thấp nên chỉ dừng ở 2,21 tỷ USD, tương tự xuất khẩu sang châu Phi tăng 15,8%, đạt 1,31 tỷ USD.
Châu Mỹ là khu vực thị trường có mức tăng mạnh nhất đạt trên 42 tỷ USD, trong đó xuất sang Mỹ đạt 36,2 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những nhóm hàng có mức tăng trưởng cao và giá trị lớn sang Mỹ, gồm: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 4,19 tỷ USD, tăng 32,2%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,47 tỷ USD, tăng 13,7%; Máy móc, thiết bị phụ tùng 6,01 tỷ USD, tăng 4,9%; Hàng dệt may gần 6 tỷ USD, tăng 26,8%, tương ứng tăng 1,26 tỷ USD; Thủy sản đạt 850 triệu USD, tăng 75%
Theo đánh giá của giới chuyên môn, sản xuất của hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Trong các tháng còn lại của quý II, hoạt động xuất khẩu vẫn đang sôi động do các doanh nghiệp đều đã ký được các hợp đồng xuất khẩu.
Khó khăn hiện giờ là giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới tăng đã tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là giá xăng dầu tăng đã tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ gây áp lực lên hoạt động sản xuất, kinh doanh và làm chậm tiến trình phục hồi kinh tế.
Thanh Hoa