Sáng 15/5, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị bàn giải pháp hồi phục chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản sau dịch bệnh Covid-19.
Dự báo kim ngạch đạt 11,75 tỷ USD
Bộ NN&PTNT cho biết có nhiều tác động tiêu cực đến ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản trong 4 tháng đầu năm và những tháng còn lại của năm 2020. Với sự cố gắng, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội gỗ và lâm sản, sự chỉ đạo và chung sức của Chính phủ và qua phân tích, đánh giá những khó khăn, thuận lợi trong năm 2002, Tổng cục Lâm nghiệp và các hiệp hội dự báo giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2020 đạt khoảng 11,75 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2019, giảm 6,6% so với mục tiêu tăng trưởng đề ra từ đầu năm.
Hội nghị bàn giải pháp hồi phục chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản sau dịch bệnh Covid-19 |
Kết quả khảo sát nhanh của hiệp hội, Tổng cục Lâm nghiệp tại hơn 200 doanh nghiệp cho thấy có 80% người mua dừng hoặc huỷ đơn hàng; hầu hết doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, chỉ có 7% doanh nghiệp hoạt động bình thường, 86% doanh nghiệp bị ngừng sản xuất một phần và khoảng 7% đã ngừng hoạt động toàn bộ do thiếu đơn hàng hoặc thiếu vật liệu và vốn đầu tư sản xuất.
Theo Bộ NN&PTNT, trong 3 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 2,77 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Dự báo, trong quý II, giá trị xuất khẩu sẽ đạt khoảng 2,18 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 11,3% so với quý I/2020.
Trong quý III, dự kiến các quốc gia sẽ cơ bản khống chế dịch bệnh, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ được ổn định trở lại bình thường. Tổng giá trị xuất khẩu quý III sẽ đạt khoảng 3,12 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng khoảng 43% so với quý II/2020.
Quý IV sẽ là thời điểm tăng trưởng cao nhất, dự kiến giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt mức 83,82 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019.
Phải giữ bằng được đơn hàng
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đặt vấn đề: Sang quý III, các doanh nghiệp cần hành động quyết liệt hơn, thực hiện đồng bộ các giải pháp sáng tạo, phấn đấu tăng trưởng 10% so với năm 2019, tăng trưởng quý III phải cao hơn quý II 43%. Quý IV, ngành gỗ phải đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 15%.
"Tôi nghĩ với năng lực sản xuất của chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu trên, vấn đề là đánh giá, tiếp cận giữ bằng được đơn hàng. Nếu vậy, cả năm nay xuất khẩu có khả năng đạt được khoảng 12 tỷ USD", ông Tuấn nói.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết đang xuất hiện những cơ hội để ngành gỗ tăng trưởng hai con số trong năm nay, thị trưởng xuất khẩu khởi sắc trở lại, đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ có triển vọng tích cực và đặc biệt doanh nghiệp đang tích cực chuyển đổi sản phẩm cốt lõi. Nhiều doanh nghiệp làm không hết đơn hàng.
Trong điều kiện chuỗi cung ứng bị đứt gãy, ông Lập kiến nghị doanh nghiệp cần nghiên cứu tích cực, chủ động mạnh dạn tái cấu trúc, tìm mọi giải pháp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; xây dựng chuỗi cung ứng trong nước phục vụ nguyên liệu, thiết bị, vật tư, phụ liệu cho chế biến gỗ.
"Cần xây dựng lại chiến lược phát triển sản phẩm, phát triển sản phẩm đồ gỗ dành cho gia đình là ưu tiên số một. Thực tế, những nhà máy làm không kịp đơn hàng chính là đi theo cách này, đây là cơ hội mở ra đường hướng cho ngành gỗ", ông Lập thông tin.
Cùng với đó, ngành gỗ cần phải đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, đa dạng hóa giải pháp bán hàng.
Thy Lê