Tuy nhiên, cộng dồn 9 tháng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tăng trưởng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 12,275 tỷ USD. Riêng xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 8,572 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ 2021, chiếm tỷ trọng đến 69,83%/tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Dự báo xuất khẩu quý cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn, và mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD của ngành gỗ sẽ khó đạt. |
Theo phân tích của các chuyên gia, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm là do tác động tổng hợp từ nhiều yếu tố, như ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 làm giảm xuất khẩu, yếu tố lạm phát và chiến tranh Nga - Ukraine, khiến các nhà nhập khẩu cảm thấy bất ổn nên xu hướng mua hàng để bán giảm dần.
Bên cạnh đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh trong thời gian qua, cũng là yếu tố chính tác động lên kim ngạch của ngành hàng này. Tháng 9, xuất khẩu sang thị trường này giảm đến 16,24% so với tháng 8, dù cộng dồn 9 tháng vẫn tăng 1,92% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ Hoa Kỳ, nhiều thị trường cũng giảm nhập khẩu đồ gỗ từ Việt Nam. Chẳng hạn, lạm phát vẫn đang gia tăng tại các thị trường xuất khẩu chính của nhóm hàng là các nước EU khiến cho người dân ở các quốc gia này có xu hướng duy trì việc thắt chặt chi tiêu. Khi đó, nhu cầu đối với các mặt hàng không thiết yếu như sản phẩm gỗ sẽ khó tăng mạnh như trước kia, đồng nghĩa việc ký kết và thực hiện đơn hàng của các doanh nghiệp cũng bị tác động trực tiếp.
Năm nay, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD. Theo thông lệ, những tháng cuối năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường cao hơn so với đầu năm do nhu cầu hoàn thiện, sửa sang, trang trí lại nội thất tăng cao vào cuối năm tại nhiều thị trường xuất khẩu chính. Tuy nhiên, tình hình năm này dường như không mấy khả quan.
Mặc dù 9 tháng qua xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có tăng nhưng không nhiều, dự báo xuất khẩu quý cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn, và mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD của ngành gỗ sẽ rất khó khăn để hoàn thành.
Q.A