Trong năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu được 7,1 triệu tấn gạo, sang đến 2023, đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn. Tuy nhiên đến hết tháng 11, xuất khẩu gạo nước ta đã đạt tới 7,8 triệu tấn và vẫn có dấu hiệu tiếp tục duy trì đà tăng cao.
Đây là con số kỷ lục, chưa từng có của ngành gạo kể từ năm 1989 đến nay và dự kiến đến hết tháng 12, nước ta hoàn toàn có thể cán mốc 8 triệu tấn gạo xuất khẩu, đem về giá trị ít nhất 4,6 tỷ USD.
Xuất khẩu gạo của nước ta chủ yếu đến 3 thị trường lớn là Philippines, Trung Quốc và Indonesia. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.
Theo nhận định từ lãnh đạo các công ty xuất khẩu gạo lớn, sở dĩ năm nay xuất khẩu gạo tăng cao là vì có chất lượng, độ tươi mới cao vì thường được xuất khẩu toàn bộ ngay sau khi thu hoạch. Giá gạo Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới cho thấy, người tiêu dùng công nhận chất lượng gạo Việt tốt nhất trong phân khúc.
Xuất khẩu gạo đạt con số kỷ lục chưa từng có từ năm 1989. |
Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng ở Tiền Giang nhận định, việc gạo Việt Nam xuất khẩu tăng vọt còn có thể bắt nguồn từ việc thiếu hụt nguồn cung toàn cầu khi Ấn Độ tiếp tục hạn chế xuất khẩu đến trước kỳ bầu cử tháng 4-5 năm sau. Trong khi sản lượng gạo xuất khẩu bình thường của Ấn Độ bằng Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar cộng lại. Bên cạnh đó là yếu tố sự tác động của các yếu tố thời tiết khô hạn do hiện tượng El Nino gây ra cho các quốc gia những lo ngại về việc mất an ninh lương thực.
Các phân tích cho thấy, trong thời gian tới nhu cầu gạo thế giới tiếp tục duy trì mức cao. Khách hàng lớn của Việt Nam là Philippines tính đến thời điểm hiện tại vẫn đang có nhu cầu. Được biết, chính phủ nước này mới đây đã ban bố yêu cầu các thương nhân trong nước tăng cường nhập khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực và cảnh báo các doanh nghiệp nếu không thực hiện tốt sẽ bị đưa vào “danh sách đen”.
Trong khi đó, quốc gia đông dân nhất khu vực Đông Nam Á là Indonesia cũng dự báo thời điểm thu hoạch vụ lúa đầu tiên trong năm 2024 có thể trễ đến 2 tháng so với thông thường là vào tháng 3 - 4. Chính vì vậy, nước này sẽ phải nhập khẩu một lượng lớn gạo để đảm bảo an ninh lương thực và dự báo lượng nhập khẩu cả năm 2024 khoảng 2 triệu tấn.
Đối với tình hình trong nước, lượng xuất đi tăng kỷ lục nên gạo hàng trong dân không nhiều. Nhiều người dân khu vực ĐBSCL sau khi thu hoạch đã tranh thủ tiếp tục xuống giống vụ lúa đông xuân để đảm bảo nguồn cung trong nước và nắm bắt xuất khẩu với tinh thần "càng sớm càng tốt, để tận dụng cơ hội giá cao.
Về phía các doanh nghiệp, vì nguồn cung còn ít nên nhiều doanh nghiệp còn nợ hợp đồng cũng buộc phải mua lúa, gạo nguyên liệu với giá cao hơn. Cụ thể, lúa thường tại ruộng khoảng 9.000 đồng/kg, gạo nguyên liệu từ 15.500 - 16.000 đồng/kg. Cũng vì giá quá cao, phần lớn các doanh nghiệp không dám ký hợp đồng mới. Dù vậy, nước ta vẫn còn một phần diện tích lúa đông xuân sớm và lúa theo mô hình lúa tôm ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… đang thu hoạch nên dự kiến lượng xuất khẩu cuối năm vẫn sẽ được đảm bảo.
Bích Tâm