Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), dự kiến số lượng gạo XK là 6,5 triệu tấn, trong đó trị giá FOB là 2,840 tỷ USD, trị giá CIF là 2,990 tỷ USD với giá XK bình quân FOB là 436,92 USD/tấn. Ngoài ra, XK biên mậu thị trường Trung Quốc đạt khoảng 1 triệu tấn. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu (NK) gạo nhiều nhất của Việt Nam với khoảng 2,1 triệu tấn, chiếm 32%. Bên cạnh đó là một số thị trường truyền thống như Philippines, châu Phi, Malaysia, Indonesia, Cuba…
Cầu tăng, vẫn khó xuất
Sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2014 - 2015 dự kiến ở mức 475 triệu tấn, sụt giảm 1,3 triệu tấn so với mức kỷ lục của năm 2013 - 2014. Trong khi đó, tiêu thụ gạo toàn cầu năm 2014 - 2015 dự tính ở mức kỷ lục 482,9 triệu tấn, cao hơn năm trước 3 triệu tấn. Với tiêu thụ vượt sản lượng gần 8 triệu tấn, tồn kho cuối kỳ 2014 - 2015 được dự tính giảm còn 98,6 triệu tấn, mức thấp nhất từ năm 2009 - 2010. Do đó, dự báo thương mại gạo toàn cầu năm 2015 ở mức 41,6 triệu tấn, chỉ thấp hơn mức kỷ lục năm trước 0,2 triệu tấn. VFA cho rằng, mặc dù hoạt động XK gạo năm 2015 có nhiều thuận lợi khi sản lượng gạo thế giới sụt giảm, nhu cầu tiêu thụ gạo tăng lên, song với việc Thái Lan đẩy mạnh XK, hoạt động XK gạo trong năm 2015 vẫn tiếp tục duy trì mức - 7,5 triệu tấn.
Năm 2015 lượng gạo XK dự kiến đạt khoảng 7 - 7,5 triệu tấn
Nước XK gạo lớn nhất thế giới là Thái Lan dự báo sẽ tăng lượng XK khoảng 5% so với năm 2014, lên đến 10,8 triệu tấn do tiếp tục bán tồn kho chính phủ và giá cạnh tranh hơn. Ấn Độ là nước XK lớn thứ hai trên thế giới cũng tăng lượng XK với 8,7 triệu tấn. Với các nước NK, Trung Quốc dự báo sẽ tăng mức nhập khoảng 0,3 triệu tấn lên mức 4 triệu tấn. Khu vực Đông Nam Á, Philippines dự báo sẽ NK khoảng 2 triệu tấn, Malaysia nhập 1,1 triệu tấn, Indonesia là 1,5 triệu tấn, châu Phi là 10 triệu tấn.
Trong khi đó, VFA dự báo Trung Quốc mặc dù tiếp tục là thị trường XK gạo lớn nhất của Việt Nam trong 3 năm liên tiếp, nhưng sẽ có thay đổi nhiều trong năm 2015 do nước này kiểm soát và ngăn chặn nhập lậu qua biên giới, ảnh hưởng đến tiêu thụ gạo của Việt Nam. Mặc dù lượng gạo NK tăng, song Trung Quốc lại tăng cường NK chính thức từ nhiều nguồn cung với mức giá thấp, nên VFA cho rằng XK gạo của Việt Nam vào Trung Quốc trong năm 2015 sẽ giảm sút. Còn tại khu vực Đông Nam Á, nhu cầu từ các thị trường thuộc khu vực này sẽ không thay đổi nhiều trong năm 2015, với khoảng 4,5 triệu tấn.
Hỗ trợ vốn, lãi suất
Cũng tương tự tại thị trường châu Phi, sự cạnh tranh gay gắt với gạo Thái Lan và Ấn Độ, đặc biệt là gạo tồn kho giá rẻ, đã khiến cho gạo Việt Nam mất đến 60% thị phần XK trong năm 2014 vào thị trường này. Dự kiến trong năm 2015, Thái Lan sẽ tiếp tục chiếm lĩnh khu vực thị trường này do lợi thế bán tồn kho chính phủ và giá cạnh tranh. Theo đó, Việt Nam chỉ duy trì thị phần chủ yếu ở các sản phẩm gạo thơm và đặc sản trong năm 2015.
Với mức dự báo XK đạt khoảng 7 - 7,5 triệu tấn trong năm nay, VFA cho rằng Trung Quốc tiếp tục là nước NK gạo nhiều nhất của Việt Nam, tiếp đến là Philippines, Malaysia, Indonesia, châu Phi, Cuba… Theo đó, những thuận lợi do công tác điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ để giải quyết các vướng mắc, khó khăn của DN trong năm 2014 sẽ tiếp tục giúp hoạt động XK gạo có nhiều thuận lợi. Đơn cử như chính sách tiêu thụ lúa gạo giúp kịp thời tiêu thụ sản lượng lúa gạo hàng hóa của nông dân, với khoảng 8,4 triệu tấn với giá tốt và lợi nhuận đạt 30 - 45%; giảm chi phí vận chuyển XK; DN đẩy mạnh liên kết…
Tuy nhiên, VFA cũng nhận định do phần lớn các DN XK gạo có năng lực tài chính hạn chế, không đủ vốn và chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, nên sức cạnh tranh yếu. Dẫn chứng, trong 144 thương nhân XK gạo, chỉ khoảng 20% thương nhân có năng lực tài chính tương đối tốt, còn lại 80% ở mức trung bình và yếu. Trong khi đó, các DN vay vốn để đầu tư dài hạn song chủ yếu là nguồn vốn lưu động ngắn hạn, nên đáo hạn ngân hàng không kịp thời, làm ảnh hưởng xấu đến nợ ngân hàng, bị ngân hàng thắt chặt tín dụng. Nhiều DN liên kết sản xuất và thực hiện cánh đồng lớn, không vay được vốn đầu tư và thu mua lúa gạo và chỉ vay được khi có hợp đồng XK.
Do đó, VFA cho rằng cần sớm tháo gỡ nút thắt về tín dụng, có chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư, tăng hạn mức tín dụng cho các DN XK gạo. Với các khoản vay đầu tư, cần có chính sách ưu đãi như chuyển vốn lưu động ngắn hạn thành vốn trung và dài hạn, có chính sách riêng cho DN thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn. VFA cũng kiến nghị, Bộ Tài chính cần xem xét áp dụng mức thuế suất bằng 0% đối với mặt hàng lúa gạo, tấm, cám tiêu thụ nội địa. Đặc biệt, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích để hỗ trợ thương nhân đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo thay vì quy định lộ trình bắt buộc, có cơ chế kiểm soát cung cấp và giá cả nguyên vật liệu đầu vào…
Nguyễn Sơn