Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo trong tháng 2/2021 ước đạt hơn 262.000 tấn, tương đương khoảng 142,42 triệu USD, giảm 50,98% về khối lượng và giảm 40,18% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu gạo trong 2 tháng đầu năm giảm 34,45% về lượng, nhưng kim ngạch chỉ giảm 21,9% nhờ giá bán tăng (Ảnh: Int) |
Cộng dồn 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo ước đạt 608.768 tấn, tương đương 336,18 triệu USD, so với cùng kỳ giảm 34,45% về khối lượng và giảm 21,9% về kim ngạch. Tuy nhiên, về mặt giá, xuất khẩu gạo tháng 1/2021 đạt trung bình 551,7 USD/tấn, tăng 3,4% so với tháng 12/2020 và tăng 15,4% so với cùng kỳ.
Theo các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo, việc sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo trong 2 tháng đầu năm 2021 giảm là đương nhiên, không có gì phải lo lắng. Nhu cầu gạo thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong khi năng lực sản xuất trong nước vẫn được duy trì; chất lượng gạo không ngừng được nâng cao là cơ sở để các doanh nghiệp kỳ vọng xuất khẩu gạo sẽ sớm khởi sắc và đạt được cột mốc mới so với con số gần 3,1 tỷ USD của năm 2020.
Tổng giám đốc Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình nhận định, xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2021 sẽ thuận lợi hơn năm 2020 nhờ nhu cầu thế giới tiếp tục tăng trong khi năng lực sản xuất lúa gạo trong nước vẫn được đảm bảo.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và một số tổ chức quốc tế, nhu cầu gạo của thế giới trong năm 2021 sẽ tiếp tục tăng, cầu có thể vượt cung. Trên cơ sở đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đưa ra dự báo xuất khẩu gạo trong năm 2021 sẽ tiếp tục khởi sắc, tín hiệu cụ thể là các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như: Philippines, các nước Đông Nam Á, châu Phi tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam.
Thị trường gạo khu vực châu Á cũng sôi động trở lại khi hàng loạt khách hàng rất tiềm năng như Trung Quốc và Bangladesh đang tích cực mua vào. Nhiều nước khác có nhu cầu lớn về gạo thơm, gạo nếp là những mặt hàng có lợi thế của Việt Nam.
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Nguyễn Trung Kiên chia sẻ, bên cạnh các diễn biến thị trường tích cực kể trên, gạo Việt còn có thêm cơ hội xuất khẩu vào một số thị trường có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA).
Cụ thể, trong khuôn khổ FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEUFTA), các quốc gia thuộc khối này cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch 10.000 tấn gạo trong năm 2021.
Song song với hạn ngạch 80.000 tấn gạo thơm mà EU dành cho Việt Nam mỗi năm theo FTA Việt Nam - EU (EU), việc FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực ngay từ đầu năm 2021 cũng giúp gạo Việt xuất khẩu vào Anh được giảm thuế về 0% mà không giới hạn về hạn ngạch.
Đ.N