Sau khi được Thủ tướng cho xuất khẩu gạo lại bình thường từ ngày 1/5, nhiều doanh nghiệp đã xúc tiến các hợp đồng xuất khẩu và tìm đối tác.
Hiện giá gạo trên thị trường thế giới cực kỳ sôi động, có thời điểm vọt tăng lên mức cao nhất 7 năm trở lại đây. Còn so với trong nước, giá gạo cũng đạt đỉnh trong 2 năm qua. Nhu cầu thu mua gạo dự trữ tăng cao nên các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu.
Xuất khẩu gạo đạt gần 1 tỉ USD (Ảnh Internet) |
Giá xuất khẩu gạo trung bình trong 4 tháng đạt 470,2 USD/tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ 2019. Trong 4 tháng qua, Philippines tiếp tục là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 40,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 902.061 tấn, tương đương 401 triệu USD, tăng 10,8 về lượng và tăng 25,2% về kim ngạch.
Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ 2 của gạo Việt Nam. Cụ thể, sản lượng gạo xuất khẩu 4 tháng đạt 274.000 tấn, trị giá 158 triệu USD, tăng 131% về lượng, tăng 172% về kim ngạch. Tiếp theo là thị trường Malaysia đạt 220.172 tấn, tương đương 90,7 triệu USD, tăng 5,4% về lượng, tăng 10,8% về kim ngạch.Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 2,1 triệu tấn gạo, thu về 991 triệu USD, tăng xấp xỉ 10% kim ngạch và giá. Hiện nay, các doanh nghiệp tiếp tục ký kết nhiều hợp đồng xuất khẩu mới. Ngoài ra việc tăng mua gạo dự trữ trong nước cũng đang giúp thị trường lúa gạo sôi động hơn.
Công Trí