Theo Bộ Công Thương, với thị trường Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), Việt Nam đang đứng khoảng thứ 11 trong số các nước xuất khẩu sang thị trường này. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EAEU còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 1,1% tổng nhập khẩu của Liên minh và có tính trồi sụt khi năm 2015, xuất khẩu chỉ đạt 1,6 tỷ USD, giảm 12,8% so với năm trước đó.
Chính vì vậy, việc Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EAEU có hiệu lực từ ngày 5/10/2016 được kỳ vọng sẽ mang lại “cú hích” thúc đẩy hàng xuất khẩu Việt Nam tại thị trường này, khi các rào cản thuế quan, phi thuế quan được giảm bớt.
Kỳ vọng tăng gấp đôi
Các mặt hàng chủ yếu Việt Nam được cho là xuất khẩu sang EAEU là thiết bị điện, điện tử, hàng dệt may, giày dép, cà phê, chè, trái cây, thực phẩm chế biến, hạt điều… Trong EAEU, Việt Nam có quan hệ song phương chủ yếu với Liên bang Nga, còn lại 4 nước Kazakhstan, Armenia, Belarus và Kyrgyzstan vẫn còn khiêm tốn.
Thực tế, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EAEU chiếm tỷ trọng không đáng kể, chỉ chiếm 1% tổng xuất khẩu của cả nước. Như vậy, theo Bộ Công Thương, dư địa tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa đối với khu vực thị trường này trong thời gian tới là đáng kể và việc FTA Việt Nam - EAEU có hiệu lực, đi vào triển khai thực thi được kỳ vọng sẽ đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khối EAEU tăng gấp đôi so với hiện nay.
Tại hội thảo “Đẩy mạnh xuất khẩu sang EAEU khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực” tổ chức tại Tp.HCM ngày 12/10, bà Nguyễn Khánh Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), cho rằng với tỷ lệ gần 90% dòng thuế được cắt, giảm thuế quan nhập khẩu (trong đó 59,3% xóa bỏ ngay khi FTA Việt Nam - EAEU có hiệu lực) là lợi thế lớn cho Việt Nam trong việc cạnh tranh với các nước khác trên thế giới khi xuất khẩu hàng hóa vào khu vực thị trường này.
Belarus - một quốc gia thuộc EAEU đang rất quan tâm tới việc nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam sau khi FTAViệt Nam - EAEU có hiệu lực
Tuy nhiên, như lưu ý của giới chuyên gia, thách thức lớn là sản phẩm của Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt (về giá cả, mẫu mã, bao bì, chất lượng, vận chuyển…) với các quốc gia khác có nguồn cung sản phẩm tương tự tại thị trường Liên bang Nga như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ…
Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay, vận tải của hai bên chủ yếu vẫn sử dụng đường hàng hải, thời gian vận tải thường chiếm vào khoảng 25 ngày, giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Trên thực tế, hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Liên bang Nga, do phải vận chuyển qua các cảng châu Âu rồi mới vòng lại Liên bang Nga, hoặc tới cảng Vladivostock rồi đi theo tuyến đường xuyên Nga từ Đông sang Tây, nên chi phí vận chuyển lớn hơn so với hàng vận chuyển từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ấn Độ…).
Do đó, như đề xuất của ông Beketzhan Zhumakhanov - Đại sứ Cộng hòa Kazakhstan tại Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường sắt Việt Nam nên xem xét khả năng tổ chức vận chuyển hàng hóa quá cảnh từ Việt Nam sang EAEU và ngược lại bằng container thông qua các ga giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc (quá cảnh qua Trung Quốc).
Có tận dụng lợi thế?
Cách thứ hai là vận chuyển hàng hóa từ cảng biển Việt Nam tới bến cảng Kazakhtan thuộc cảng biển Liên Vân Cảng (Trung Quốc), nơi 49% cổ phần cảng biển thuộc về công ty đường sắt Kazakhstan và trung chuyển sang container và vận chuyển qua Trung Quốc tới Kazakhstan và các nước thuộc EAEU.
Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, một vấn đề khác đáng quan tâm là ngoài tập quán thanh toán T/T hoặc D/P trả chậm (ứng trước 10 - 20%, sau khi giao hàng nhận chứng từ gốc trả 80 - 90% còn lại), trong thời gian qua, phần lớn khách hàng Nga cũng đề nghị thanh toán theo hình thức trả chậm 6 tháng đến 1 năm.
Chưa kể, hiện nay DN hai bên vẫn chưa thực hiện được việc thanh toán bằng đồng nội tệ do cơ chế thanh toán ngân hàng giữa hai nước. Ngay như các rào cản kỹ thuật cũng là một thách thức khi các rào cản phi thuế quan (như quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về kiểm dịch chất lượng…) mà khối Liên minh đang áp dụng đối với hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam tương đối chặt chẽ.
Trong khi đó, như băn khoăn của ông Davydov Vyacheslav - Phó đại diện thương mại Nga tại Việt Nam, đó là vẫn chưa có thông tin đầy đủ đến các DN Việt Nam và EAEU về các thị trường của đối tác, về các nội dung chính của Hiệp định và các cơ chế khởi động quy chế thương mại tự do.
Do vậy, vấn đề lo lắng của vị phó đại diện thương mại Nga là các nhà xuất khẩu các nước thành viên chưa sẵn sàng sử dụng tiềm năng xuất khẩu với những ưu đãi thương mại. Điều này liên quan trước hết đến các DN nhỏ và vừa của các nước.
Còn theo chia sẻ của ông Kirill Baturo - Tùy viên thương mại Đại sứ quán Cộng hòa Belarus tại Việt Nam, Belarus rất hoan nghênh việc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang nước này, nơi mà hàng hóa có thể tiếp tục được chuyển sang thị trường các nước Liên minh EAEU và các nước khối EU.
Tuy nhiên, đơn cử như mặt hàng cá và thủy sản từ Việt Nam, Belarus rất quan tâm tới việc nhập khẩu tôm, cá thu, cá tra. Vấn đề chính là các DN Việt Nam gặp khi thâm nhập thị trường Belarus là việc các nhà nhập khẩu Belarus chưa quen thuộc với các thương hiệu Việt Nam.
Thế Vinh