Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá tra Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay đạt 284 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ, riêng tháng 2/2025 đạt 150 triệu USD, tăng 66% so với tháng 2/2024.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) cho biết Trung Quốc và Hong Kong tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất cá tra Việt Nam, đạt 36 triệu USD trong tháng 2, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, giá trị nhập khẩu cá tra của thị trường này 2 tháng đầu năm nay lại giảm 11% so với cùng kỳ năm 2024, chủ yếu do xuất khẩu tháng 1 giảm khi kỳ nghỉ Tết kéo dài.
![]() |
Xuất khẩu cá tra Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay đạt nhiều tín hiệu khả quan. |
Khối các quốc gia được trợ lực bởi Hiệp định CPTPP là thị trường tiêu thụ nhiều thứ 2 cá tra của Việt Nam. Trước đó, vị trí này thuộc về Mỹ. Hai tháng đầu năm nay, XK cá tra sang CPTPP đạt 53 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 2/2025, kim ngạch XK cá tra sang CPTPP đạt 29 triệu USD, tăng 128% so với tháng 2/2024.
Tuy vẫn là một trong những thị trường lớn nhất của ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam, song Mỹ đã tụt xuống vị trí thứ 3 trong top các thị trường nhập khẩu lớn nhất cá tra. Xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng 2 đạt 22 triệu USD, tăng 37% so với tháng 2/2024, đưa lũy kế xuất khẩu 2 tháng đầu năm lên 39 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường chủ chốt khác trong 2 tháng đầu năm tiếp tục ghi nhận đà tăng. Xuất khẩu cá tra sang Brazil trong 2 tháng đầu năm đạt 28 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2024, trong khi xuất khẩu sang EU cùng kỳ đạt 26 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2024.
Đáng chú ý, nửa đầu tháng 2/2025, xuất khẩu cá tra sang Thái Lan đạt hơn 3 triệu USD, tăng 280% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế xuất khẩu cá tra sang thị trường này tính đến ngày 15/2/2025 đạt 9 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2025. Với sự tăng trưởng này, Thái Lan vươn lên vị trí thứ 2 trong top các quốc gia nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam tại châu Á, đứng sau Trung Quốc. Đồng thời là thị trường đơn lẻ đứng thứ 4 về tiêu thụ cá tra của Việt Nam.
VASEP nhận định, Thái Lan tiếp tục là một trong những thị trường tăng trưởng ổn định, với mức tiêu thụ cá tra nhập khẩu từ Việt Nam ngày càng mở rộng.
Cùng với Thái Lan, xuất khẩu cá tra sang Malaysia cũng có sự tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây, được thúc đẩy bởi Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việt Nam là nhà cung cấp cá tra đông lạnh lớn nhất cho Malaysia, chiếm 95% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm của nước này. Kể từ khi có hiệu lực vào tháng 1/2019, CPTPP đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên khác, đặc biệt là Canada, Malaysia, Mexico và Singapore.
Mặc dù vậy, theo giới chuyên môn, cá tra Việt Nam năm nay có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức mới, cả về thị trường, đối thủ cạnh tranh và những yếu tố địa chính trị tác động.
Với thị trường Mỹ, mặc dù đây là thị trường có giá xuất cao đối với các sản phẩm cá tra của Việt Nam, nhưng yêu cầu về chất lượng rất khắt khe (nổi bật nhất là luật Farmbill).
Luật Nông trại (Farm Bill) vừa được Quốc hội Mỹ thông qua sẽ áp dụng bộ tiêu chuẩn để quản lý việc nhập khẩu cá tra Việt Nam. Còn mới đây Nga thông báo tạm ngưng nhập khẩu cá tra đông lạnh một số doanh nghiệp từ Việt Nam. Nguyên nhân mà nước nhập khẩu này đưa ra do không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là những rào cản kỹ thuật mà các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang gặp phải. Tuy nhiên, về lâu dài nhiều ý kiến cho rằng, đây cũng là cơ hội để ngành cá tra cơ cấu lại sản xuất và phát triển hướng bền vững.
Theo các chuyên gia, Farm Bill 2014 có nhiều quy định được xem là trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Theo đó, các sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ phải dán nhãn xuất xứ nơi nuôi trồng, xây dựng kế hoạch thú y thủy sản quốc gia và đặc biệt là điều kiện công nhận quốc gia được phép xuất khẩu thực phẩm thịt vào Mỹ.
Quốc hội Mỹ cũng chuyển chức năng giám sát cá da trơn trong đó có cá tra và ba sa của Việt Nam đang do Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ quản lý sang Bộ Nông nghiệp Mỹ. Nghĩa là, thay vì kiểm soát chất lượng vệ sinh thực phẩm, Mỹ sẽ kiểm soát cả các vùng nuôi của Việt Nam.
Như vậy, để được xuất khẩu vào thị trường Mỹ, các vùng nuôi cá da trơn của Việt Nam phải nâng cấp để đạt tiêu chuẩn giống như các vùng nuôi cá hiện nay ở Mỹ đang áp dụng.
Bên cạnh đó, theo Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho thấy, Việt Nam đã tham gia vào nhiều FTA với các nước và khu vực trên thế giới. Những hiệp định này giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế với thuế suất giảm hoặc miễn thuế. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu sản phẩm, đặc biệt là những mặt hàng có thế mạnh cạnh tranh của Việt Nam như nông sản, thủy sản và hàng công nghiệp nhẹ. Ngoài ra, FTA còn mang lại cơ hội tiếp cận các thị trường tiêu thụ lớn; đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Công Thương, tính tới ngày 25 tháng 3 năm 2025, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 282 vụ việc do nước ngoài điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó nhiều nhất là chống bán phá giá (153 vụ), tiếp đến là tự vệ (59 vụ), chống lẩn tránh thuế (39 vụ) và chống trợ cấp (31 vụ).
Đặc biệt, trong số vụ việc đều liên quan đến các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh như: tôm, cá tra, thép, gỗ và những sản phẩm có giá trị xuất khẩu trung bình và nhỏ như máy cắt cỏ, mật ong, đĩa giấy.
Để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các DN xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) khuyến nghị, ngoài việc đảm bảo tập trung tăng trưởng vào các thị trường lớn DN cần lên phương án tiếp cận với các thị trường khác. Điều này sẽ giúp cân bằng xuất khẩu trên phương diện khả năng ứng phó bù đắp về doanh thu và sản lượng cao hơn.
Cùng với đó, doanh nghiệp phải thường xuyên theo dõi sát sao chính sách thương mại của các quốc gia, thị trường xuất khẩu như chính sách thuế, chính sách về nguồn gốc hàng hoá, an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng, chính sách liên quan đến phòng vệ thương mại. Trong đó, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần cân nhắc rủi ro về phòng vệ thương mại để xây dựng sản xuất, xuất khẩu hợp lý; chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện phòng vệ thương mại...
Năm 2025, ngành cá tra Việt Nam đặt kế hoạch duy trì sản lượng khoảng 1,65 triệu tấn, giảm khoảng 20.000 tấn so với năm 2024, nhưng vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu ở mức 2 tỷ USD, tương đương năm 2024.
VASEP kỳ vọng, xuất khẩu cá tra Việt Nam năm 2025 tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng, lấy người nông dân, ngư dân làm động lực chính cho nuôi trồng, chế biến, sản xuất và xuất khẩu. Dù vậy cá tra Việt Nam năm nay có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức mới, cả về thị trường, đối thủ cạnh tranh và những yếu tố địa chính trị tác động, nhưng sản phẩm cá Việt Nam vẫn sẽ chinh phục người tiêu dùng khắp thế giới.
Hồng Hương