Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc và Hồng Kông tiếp tục là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam, đóng góp 28% trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường.
Cụ thể, trong tháng 6/2024 là tháng kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông đạt cao nhất kể từ đầu năm nay, với gần 56 triệu USD, tăng 16% so với tháng 6/2023.
Tiếp đến là thị trường Mỹ, mặc dù giá trị nhập khẩu Trong tháng 6 giảm so với tháng 5, nhưng tăng 22% so với cùng kỳ năm trước khi tiêu thụ 27 triệu USD cá tra của Việt Nam. Tính chung giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay sang Mỹ đạt 160 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, nửa đầu năm nay xuất khẩu cá tra sang khối các thị trường CPTPP cũng ghi nhận tăng trưởng dương với giá trị đạt 128 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 25 triệu USD, tăng 21% so với tháng 6/2023.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra nửa đầu năm nay đạt gần 918 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. |
Một số thị trường đơn lẻ khác cũng ghi nhận tăng trưởng dương nhập khẩu cá tra Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024, bao gồm: Brazil đạt 52 triệu USD, tăng 42%; Thái Lan đạt 30 triệu USD, tăng 9%; Colombia đạt 22 triệu USD, tăng 40%; Ả Rập Saudi đạt 20 triệu USD, tăng 17%...
Trong năm nay xuất khẩu cá tra Việt Nam dự kiến đạt 1,8 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023. Để đạt được mục tiêu này ngành hàng cá tra đã nỗ lực mở cửa những thị trường mới như Nam Mỹ, Trung Đông…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhận định việc Hoa Kỳ và EU tiếp tục siết chặt nhập khẩu thuỷ hải sản từ Nga đang mở ra cơ hội lớn cho cá tra Việt Nam. Trong khi đó, nhu cầu cá tra tại Trung Quốc kỳ vọng sẽ được cải thiện khi các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của nước này “thẩm thấu”.
Hiện nhiều tổ chức tài chính đánh giá hoạt động xuất khẩu cá tra sẽ duy trì triển vọng tích cực trong nửa cuối năm nay với loạt yếu tố hỗ trợ nhu cầu phục hồi. Trong đó, lạm phát tại nhiều thị trường lớn, truyền thống của cá tra Việt Nam đang được kiểm soát tốt, tạo động lực cho hoạt động tiêu dùng, lĩnh vực nhà hàng phục hồi.
Theo đánh giá mới đây của Bộ phận Nghiên cứu - Chứng khoán Tiên Phong Securities (TPS Research), ngoài việc nhu cầu phục hồi, giai đoạn cuối năm là cao điểm tiêu thụ các loại thuỷ hải sản với loạt dịp lễ hội tại các nước phương Tây.
Nửa cuối năm, doanh nghiệp kỳ vọng các thị trường nhập khẩu chính sẽ có tín hiệu tốt hơn, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại. Nếu tất cả sự kỳ vọng diễn ra theo kịch bản có lợi cho con tôm thì mọi thứ sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, đảm bảo mục tiêu về đích của ngành cá tra năm 2024.
Thanh Hoa