Tại Hội thảo Quản lý và tăng cường chỉ số sức mạnh thương hiệu và công bố Top 50 thương hiệu Việt Nam tổ chức ngày 24/9, ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển nhanh, mạnh như hiện nay, nếu doanh nghiệp (DN) không kịp thời cập nhật xu hướng, không đầu tư chăm sóc cho sản phẩm của mình thì đến một lúc nào đó, đối thủ cạnh tranh sẽ chớp cơ hội và vượt lên. Khi ấy, thương hiệu sẽ bị mất là chuyện đương nhiên.
Cạnh tranh gay gắt
Thực tế, nhiều DN trước đây là một thương hiệu nổi tiếng, có giá trị lớn, nhưng khi cuộc cách mạng 4.0 “tràn vào” do không nắm bắt kịp thời, thay đổi phương thức sản xuất nên đã dần “lùi vào quên lãng”.
Theo thống kê, dưới 1% DN Việt thực sự coi thương hiệu là tài sản và có chiến lược xây dựng thương hiệu riêng. 99% còn lại mới chỉ dừng ở mức nhận biết cơ bản về nhận diện thương hiệu và có tới trên 50% trong số này thậm chí chưa thiết kế bộ nhận diện thương hiệu - cấp độ thấp nhất trong xây dựng thương hiệu.
Tính đến tháng 6/2019, Việt Nam có hơn 700.000 DN đang hoạt động, trong đó gần 67.000 DN đăng ký thành lập mới. Như vậy, mỗi ngày có hơn 370 DN mới gia nhập thị trường.
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt đó, việc tồn tại và phát triển của mỗi DN ngày càng trở nên khó khăn hơn, nhất là đối với những DN chưa bắt đầu ở nấc thang đầu tiên - thiết kế thương hiệu.
Ông Lê Tiến Mạnh, Giám đốc điều hành Mibrand Việt Nam, cho rằng nếu các DN không chịu cập nhật, không tự làm mới mình và tìm một hướng đi thật sự khác biệt thì sẽ bị tụt hậu.
Theo ông Mạnh, các DN gặp khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu vì không có chiến lược đường dài, đồng thời thiếu công cụ triển khai về chiến lược xây dựng thương hiệu. Ngoài ra, DN cũng gặp khó trong việc biến chiến lược thương hiệu thành chiến lược trải nghiệm thực sự cho người dùng.
Dẫn chứng về những thương hiệu đã xây dựng được con đường dài, kiên định với đường đi của mình để rồi có thành công như ngày nay, ông Mạnh nhắc đến hai thương hiệu: Coca Cola và Apple.
“Coca Cola với hoạt động truyền thông luôn theo hướng tích cực, lạc quan lan tỏa. Còn Apple là những suy nghĩ và ý tưởng sáng tạo. Đây là những thương hiệu đi đường dài, họ đã đồng nhất một chiến lược từ đầu tới cuối và kiên định đi theo hướng đó”, ông Mạnh nói.
Trong nước, Viettel là thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam với hơn 4,3 tỷ USD. Như vậy, giá trị thương hiệu của Viettel tăng 20%, tức hơn 1,5 tỷ USD so với năm 2018.
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia cũng đề cập đến một trong những thách thức và tác động mà một thương hiệu phải đối mặt trong thời đại 4.0, đó là chú trọng yếu tố công nghệ vào giá trị cốt lõi của DN.
![]() |
Viettel là thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam với hơn 4,3 tỷ USD |
Công nghệ là yếu tố then chốt
Đánh giá về vấn đề này, ông Samir Dixit cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ tác động lớn đến DN, mà với cả người tiêu dùng. Do đó, công nghệ dẫn tới một thương hiệu có thể thành công hoặc lùi vào dĩ vãng.
Ông Samir Dixit nhận định trong tương lai, việc xây dựng thương hiệu rất quan trọng, vì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng phát triển. Nếu không cập nhật sẽ rất dễ đến tụt hậu và mất thương hiệu.
Lấy ví dụ về trường hợp Kodak, ông Samir cho biết thêm, vào thập niên 1990, hãng Kodak rất phát triển, nhưng 10 năm trước đã phải dừng hoạt động. Đến nay, nhãn hiệu Kodak đã bị lãng quên và trong tương lai có thể sẽ không ai thấy cái tên này nữa.
Không chỉ có các thương hiệu quốc tế mất đi, mà một số thương hiệu lớn của Việt Nam cũng chỉ còn trong ký ức. Chẳng hạn thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan một thời từng xuất hiện trên mọi bảng hiệu ở chợ Bến Thành và khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Hay những cái tên quen thuộc như dầu gió khuynh diệp bác sĩ Tín, xà bông Cô Ba, lụa Mỹ A Tân Châu, nước tương Con Mèo, thảm len Hàng Kênh, phích nước Rạng Đông, kẹo Hải Hà… Giờ đây, chỉ có những người lớn tuổi mới còn nhớ được những thương hiệu biến mất, những tên tuổi “vang bóng một thời” đó.
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng việc xây dựng thương hiệu được coi là quan trọng hơn việc tiếp thị, marketing bán sản phẩm. Theo ông Samir Dixit, việc định giá thương hiệu sẽ giúp DN thiết lập lộ trình hợp lý để tối đa hóa lợi nhuận, thu hẹp khoảng cách giữa marketing và tài chính.
“Chúng tôi hiểu tầm quan trọng của thiết kế, quảng cáo và marketing, nhưng cũng tin rằng mục đích cuối cùng và quan trọng nhất của các thương hiệu là kiếm tiền. Đó là lý do tại sao chúng tôi kết nối các thương hiệu với lợi nhuận ròng”, ông Samir Dixit chia sẻ.
Thanh Hoa