Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, từ ngày 3-16/2, Vinatex đã cung cấp ra thị trường khoảng 750.000 khẩu trang bằng vải dệt kim kháng khuẩn và 10 tấn/ngày vải không dệt kháng khuẩn để cung ứng cho các đơn vị sản xuất khẩu trang sử dụng 1 lần.
Hiện, phía Bắc có các công ty như: Dệt kim Đông Xuân, Dệt may Hà Nội, May 10, Đức Giang, May Hưng Yên, CTCP May Nam Định và Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định; miền Trung có Dệt may Hòa Thọ, Dệt may Huế và khu vực miền Nam gồm May Đồng Nai, Dệt kim Đông Phương, May Việt Tiến, May Nhà Bè đang đẩy mạnh sản xuất khẩu trang để cung ứng ra thị trường phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.
Với sự khẩn trương và liên tục, số lượng khẩu trang được Vinatex và các đơn vị thành viên cung ứng ra thị trường ngày càng tăng. Riêng tại Công ty Dệt kim Đông Xuân, đến nay, mỗi ngày cung ứng ra thị trường trên 200.000 khẩu trang sử dụng vải dệt kim kháng khuẩn tiêu chuẩn Nhật Bản, có thể bảo lưu được tính kháng khuẩn sau nhiều lần giặt.
Đây là loại vải dệt kim kháng khuẩn tiêu chuẩn Nhật Bản, vật liệu mềm mại tạo sự thoải mái, dễ chịu cho người sử dụng.
“Từ khi ra mắt thị trường, Dệt kim Đông Xuân cam kết bán bằng giá thành là 7.000 đồng/chiếc, không tăng giá trong mọi hoàn cảnh và giữ nguyên chất lượng”, đại diện Vinatex thông tin.
Dù vậy, thực hiện hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế, khẩu trang do các doanh nghiệp thuộc Vinatex sản xuất sẽ được ưu tiên cung ứng cho các đơn hàng từ các tổ chức lớn các tỉnh, thành trong cả nước để tiếp tục phân phối đến đúng đối tượng có nguy cơ cao, đáng sử dụng khẩu trang trước, như y tế, quân đội, hàng không, ngân hàng, trường học…
Hiện, chỉ 10% số lượng hàng sản xuất được đưa ra thị trường bán lẻ và tại 5 điểm bán lẻ của Vinatex trên thị trường Hà Nội, mỗi ngày cung ứng từ 3.000 - 6.000 khẩu trang.
Giải thích nguyên nhân cung không đủ cầu như thời gian vừa qua, theo đại diện Vinatex, khẩu trang không phải là mặt hàng doanh nghiệp chuyên sản xuất, do đó khâu chuẩn bị với mặt hàng mới phải mất từ 3-5 ngày.
Ngoài ra, trong những ngày đầu sản xuất, Dệt kim Đông Xuân và các đơn vị thành viên khác chỉ đạt chừng 1/6 công suất và nâng lên mức tối đa công suất vào 10/2. Đặc biệt, công đoạn phun chất kháng khuẩn tốn nhiều thời gian và khó có thể làm nhanh.
Theo công bố của Viện nghiên cứu Dệt may Việt Nam, các mẫu vải đưa vào sử dụng để may khẩu trang đều đáp ứng được cả tiêu chuẩn khắt khe nhất của các nhà dệt may và dệt nhuộm Mỹ, có tính kháng khuẩn gấp 100 lần so với các loại vải thông thường.
Dự kiến, trong tuần tới (17-24/2), số lượng khẩu trang được sản xuất sẽ được nâng cao do sự tham gia và tăng năng lực sản xuất khẩu trang của các đơn vị như May Nam Định, May Nhà Bè, May Hồ Gươm, Dệt may Huế…
Theo đó, đến cuối tháng 2, toàn Tập đoàn sẽ cung ứng ra thị trường 5,5 - 6 triệu sản phẩm khẩu trang sử dụng vải kháng khuẩn. Riêng trong tháng 3, tổng số lượng khẩu trang Vinatex và các đơn vị thành viên cung ứng ra thị trường có thể tăng lên tới gần 12 triệu chiếc.
Đ.N