Do kinh doanh thua lỗ triền miên, nợ chồng chất, gây thất thoát vốn nhà nước nên Vinafood 2 đã bị đưa vào diện cần giám sát chặt chẽ. Trong nỗ lực của cơ quan chủ quản, Vinafood 2 sẽ phải tiến hành “đại phẫu” để xử lý hàng loạt vấn đề nan giải, nhất là tình hình tài chính, tái cơ cấu tài chính đầu tư, trang trải nợ nần… do sự quản lý yếu kém, sai phạm nghiêm trọng.
Vinafood 2 sẽ phải tiến hành "đại phẫu" để xử lý hàng loạt vấn đề nan giải
“Hào phóng” với tiền Nhà nước
Theo kết luận của cơ quan TTCP, hệ quả bết bát của Vinafood 2 và các đơn vị thành viên là do có nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước suốt thời gian dài.
Công ty mẹ Vinafood 2 đã thể hiện sự “hào phóng” khi cho vay và bảo lãnh vốn cho một số đơn vị thành viên không đúng quy định, vượt thầm quyền lên tới 1.780 tỷ đồng. Dẫn tới Vinafood 2 phải trả thay nợ vay, nợ khó đòi hàng trăm tỷ đồng. Đơn cử, trả thay nợ vay ngân hàng cho công ty TNHH Bình Tây là 93,4 tỷ đồng và công ty CP Tô Châu gần 57 tỷ đồng… Nợ khó thu hồi tại công ty Tô Châu cũng lên tới hơn 80 tỷ đồng, chưa rõ khi nào đòi được.
Công ty mẹ Vinafood 2 đã tăng đầu tư góp vốn vào nhiều công ty mà hiệu quả làm ăn bết bát, thua lỗ, nợ ngập ngụa… Điển hình là trường hợp công ty CP Vận tải biển Hoa Sen - có 47,2 tỷ đồng vốn góp của Vinafood 2 - song công ty bị thua lỗ, mất vốn nhà nước.
TTCP cũng chỉ rõ, Vinafood 2 mua cổ phần công ty CP Vận tải biển Việt Nam (59,6 tỷ đồng) và công ty CP Nước khoáng Samvi (14,4 tỷ đồng) là chưa đúng quy định về trình tự thủ tục, đầu tư không hiệu quả, phải trích dự phòng giảm giá cổ phiếu rất lớn…
Trong hoạt động thu mua lúa gạo, công ty mẹ Vinafood 2 chưa thực hiện đúng quy định Nhà nước về thu mua lúa gạo tạm trữ. Cụ thể, công ty không giao dịch mua trực tiếp từ người nông dân, không tổ chức liên kết mua bán nên lợi nhuận của nông dân không được bảo đảm tối đa 30%.
Việc mua bán hàng hóa của một số đơn vị hạch toán phụ thuộc đã vi phạm quy định về Quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế quản lý tiền hàng trong mua, bán, cung ứng hàng hóa, dịch vụ với số tiền 62 tỷ đồng. Sai phạm chủ yếu ở các công ty lương thực, thực phẩm tại Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu… Kết quả, tổng công ty đã bị chiếm dụng vốn, nợ khó đòi, nguy cơ mất vốn rất lớn.
Nghiêm trọng nhất là Vinafood 2 đã không kiểm soát chặt chẽ, ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán sai quy định tại 7 đơn vị với tổng giá trị 2.219 tỷ đồng. “Những vi phạm khiến công ty bị nợ khó đòi, thua lỗ, mất vốn nhà nước, phải trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính, hạch toán vào chi phí năm 2013 gần 226.6 tỷ đồng”, Kết luận TTCP nêu rõ.
Dự án nghìn tỷ, dư thừa công suất
Với lợi thế được giao quản lý, sở hữu khối tài sản đất đai lớn, Vinafood 2 và các đơn vị thành viên đã không sử dụng đúng mục đích, hoặc kém hiệu quả. Tổng diện tích đất lên tới 119.761 m2.
Trong nhiều năm qua, Vinafood 2 đã triển khai đầu tư nhiều dự án sản xuất, kinh doanh về thủy sản, kho chứa hàng, nông sản… Tuy nhiên, qua thanh tra, đã phát hiện nhiều sai phạm trong thủ tục đầu tư, thẩm định và phê duyệt dự án, chậm tiến độ, dự án vận hành khai thác kém hiệu quả. Cụ thể, dự án thủy sản (tổng giá trị thực hiện gần 557 tỷ đồng) không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong mục tiêu dài hạn theo quy định. Vinafood 2 đã có nhiều vi phạm về thiết kế, không thẩm định dự án, thẩm định không đúng quy định, vi phạm quy trình đấu thầu…
Hay sai phạm trong dự án đầu tư kho chứa với tổng giá trị 1.758 tỷ đồng, song thực tế, hiệu suất sử dụng kho chỉ đạt 30% thiết kế, phải trích lập khấu hao lớn, giảm hiệu quả đầu tư vốn…
Trước hàng loạt sai phạm, TTCP đã kiến nghị xử lý số tiền lên đến 205.948 tỷ đồng, riêng Bộ Tài chính được đề xuất xử lý 196.676 tỷ đồng và tổng công ty là gần 9.320 tỷ đồng…
Mới đây, Bộ NN&PTNN đã có cuộc họp chỉ đạo rốt ráo tái cơ cấu Vinafood 2, nhằm vực dậy doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng thua lỗ triền miên. Một nội dung tái cơ cấu quan trọng là xử lý các tồn tại về tài chính, gồm công nợ khó đòi, mất vốn, các khoản đầu tư góp vốn, dự án đầu tư lớn… Vinafood 2 cần phải rà soát, lên phương án thu hồi nợ cụ thể, đồng thời lành mạnh hóa tài chính, cải thiện vốn chủ sở hữu đã bị hao hụt nghiêm trọng. Các dự án đầu tư cần được rà soát, quản lý kinh doanh hiệu quả để tránh lãng phí tài sản nhà nước.
Dù vậy, với thực trạng tài chính yếu kém, Vinafood 2 cần có cơ chế riêng thì mới có thể xử lý nhanh được, mà trước mắt là thoát lỗ trong năm 2015. Để tránh lặp lại “vết xe đổ” trong quá khứ, Vinafood 2 cũng cần đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của tổ giám sát liên ngành Bộ Tài chính - Bộ NN&PTNT nhằm bảo đảm quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước, tránh bị thất thoát.
Hải Hà