Số liệu thống kê về tình hình XNK 8 tháng 2016 của Tổng cục Hải Quan cho thấy, kim ngạch nhập khẩu (KNNK) thủy sản, rau quả từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng khá lớn (164 triệu USD) trong tổng KNNK thủy sản, rau củ của Việt Nam và đang ngày càng có xu hướng gia tăng.
Xuất nhiều, nhập cũng tăng
Cụ thể trong 8 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã chi 39 triệu USD nhập thủy sản và 125 triệu USD nhập rau quả từ Trung Quốc. Trong khi đó, năm 2015, Việt Nam chi 36 triệu USD và 97 triệu USD để nhập thủy sản và rau quả từ quốc gia này. Năm 2015, Việt Nam đã chi 36 triệu USD và 97 triệu USD để nhập thủy sản và rau quả từ quốc gia này.
Hiện nay, tại các chợ dân sinh, siêu thị, thậm chí tại một số tuyến đường ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Tp.HCM các loại rau quả có xuất xứ từ Trung Quốc được bày bán la liệt và được người tiêu dùng lựa chọn bởi giá rất rẻ, phù hợp với tiêu dùng bình dân.
Tại một số cửa khẩu như Tân Thanh (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh)… số lượng hoa quả và thủy sản được thông quan vào Việt Nam lên đến hàng trăm tấn mỗi ngày.
Bà Bế Thị Thu Hiền - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 (Lạng Sơn), cho biết mỗi ngày có khoảng trên dưới 200 tấn hoa quả Trung Quốc nhập về Việt Nam.
“Các loại hoa quả như cam, quýt, hồng, lựu, nho, xoài… là những loại quả có xuất xứ từ Trung Quốc được nhập về nhiều nhất với số lượng rất lớn”, bà Hiền cho hay.
Nhiều mặt hàng XK của nước ta ngày càng phụ thuộc thị trường Trung Quốc
Chia sẻ về lý do tại sao nông sản Việt xuất nhiều, nhưng nhập về cũng không ít, một số chuyên gia kinh tế lý giải, do các mặt hàng rau củ từ Trung Quốc được NK theo đường tiểu ngạch với số lượng lớn, nên các cơ quan chức năng khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, ở các chợ truyền thống, chợ bình dân, chợ tự phát - nơi mức sống của người dân còn thấp, điều quan trọng hơn với họ là giá rẻ chứ họ chưa quan tâm nhiều tới chất lượng. Đây là lợi thế của rau quả Trung Quốc.
Trung Quốc kiểm soát chặt nông sản Việt
Nhiều vụ việc như rau quả, thực phẩm bẩn “đội lốt” rau quả, thực phẩm sạch được tiêu thụ và phát hiện trong nhiều siêu thị đã khiến người tiêu dùng mất dần niềm tin vào sản phẩm “sạch”, vì họ cho rằng chắc gì rau quả Việt Nam đã an toàn hơn, nên với phần nhiều người, mua cái rẻ sẽ có lợi.
Rõ ràng, để xảy ra tình trạng này là do công tác quản lý của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo. Hiện nay, việc NK rau củ và hải sản từ Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch, chưa được áp dụng cơ chế kiểm soát chất lượng sản phẩm nghiêm ngặt.
Trong khi đó, Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp đóng một số cửa khẩu tiểu ngạch, hạn chế NK các mặt hàng nông sản bằng việc áp dụng rào cản thương mại.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, XK nông sản theo đường tiểu ngạch đang bị ảnh hưởng từ chính sách quản lý biên mậu của Trung Quốc, điển hình là phía Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm dịch rất ngặt khiến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa.
Theo đó, rau củ XK sang Trung Quốc phải cung cấp các chứng từ xác nhận DN nằm trong danh sách đã được Bộ NN&PTNT đăng ký gửi cho Trung Quốc mới được thông quan.
Đối với mặt hàng thủy sản, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng khẳng định, thời gian gần đây cho thấy, việc XK hàng hóa nông, lâm, thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc, đặc biệt là qua cửa khẩu Lào Cai đang gặp khá nhiều khó khăn.
Theo đó, phía Trung Quốc yêu cầu muốn XK vào thị trường này thì nhà máy chế biến phải có code vào Trung Quốc và nhà XK phải nằm trong danh sách được Trung Quốc phê chuẩn.
Trong khi đó, theo quy định của cơ quan quản lý Việt Nam (Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - NAFIQAD), chỉ cần nhà sản xuất có trong danh sách được công nhận XK sang Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia và hiệp hội đều có chung nhận định rằng rất nhiều mặt hàng XK của nước ta ngày càng phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Chính vì vậy, thay vì việc chỉ chú trọng tới thị trường này, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần tăng cường chất lượng sản phẩm, chú trọng tới khâu VSATTP để đa dạng hóa thị trường, thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng nông sản NK của Trung Quốc một cách trung thực, khách quan và công bố thông tin rộng rãi để người tiêu dùng biết lựa chọn. Nếu chúng ta làm được như vậy thì hàng rau quả Trung Quốc sẽ mất dần đất sống.
Thanh Hoa